Năm | 2023 |
---|---|
Trọng lượng | 1200gr |
Loại Sản Phẩm | Bìa mềm |
Kích Thước | 20 x14 cm |
Số Trang | 204 |
Tác Giả | Đặng Lương Mô |
Nhà Xuất Bản | Tổng Hợp Tp.HCM |
Viết luận văn là giai đoạn cuối cùng và trọng yếu nhất của một công trình nghiên cứu khoa học. Tập chuyên khảo này tóm lược những tiêu chí của một luận văn khoa học chuẩn và cách viết một luận văn như vậy bằng tiếng Anh.
Ở đây, “Luận văn” được dùng để dịch từ Anh ngữ “paper”. Những từ khác được dùng tương đương ở đây tùy theo văn mạch (context) là “bài viết”, “bài báo”. Thesis, dissertation sẽ dịch là “luận án” hoặc cũng dịch là “luận văn”. Article hay journal article là “bài báo”, cũng dịch là “luận văn”. Report là “báo cáo”, “tờ trình”. Có thể có ý kiến khác về cách dùng từ luận văn” nhưng ở đây, tác giả đồng ý với giải thích của Đại từ điển Tiếng Việt (chủ biên: Nguyễn Như Ý, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, 1999) như sau.
(1) Luận án, dt: Công trình khoa học được trình bày trước hội đồng chấm thi để được nhận học vị phó tiến sĩ, tiến sĩ (Xem trang 1058).
(2) Luận văn, dt: 1. Bài nghiên cứu, trình bày về một vấn đề gì: luận văn chính trị. 2. Công trình nghiên cứu, được trình bày trước hội đồng chấm thi để được công nhận tốt nghiệp đại học (cử nhân) hay cao học (thạc sĩ). 3. Nh. Luận án (Xem trang 1059).
Tập chuyên khảo này là nội dung thuyết giảng cho các nhà nghiên cứu trẻ của Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch (tiếng Anh là Integrated Circuit Design Research and Education Center, viết tắt là ICDREC) thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, trong thời gian vài tháng giữa năm 2009, nhằm nâng cao trình độ viết luận văn khoa học kỹ thuật của các nhà nghiên cứu trẻ này.
Lúc đầu, tuy đại bộ phận những người này còn ở độ tuổi trên dưới 30, nhưng đã tốt nghiệp các đại học hàng đầu của Việt Nam, một số có học vị thạc sĩ, tiến sĩ, tác giả đã có ý định chỉ thuyết giảng sơ lược về bố cục, cách trình bày của một luận văn khoa học mà thôi. Nhưng trong quá trình thuyết giảng, và qua kiểm tra năng lực viết tiếng Anh phổ thông của các học viên, tác giả thấy nên thêm vài phần có liên quan đến văn pháp, cú pháp, cách xây dựng, làm giàu từ vựng phổ thông. Những phần thêm này không có tham vọng thay thế một sách phổ thông về văn pháp, cú pháp tiếng Anh. Mục đích ở đây chỉ là nêu lên những gì mà một nhà khoa học khi viết luận văn bằng tiếng Anh cần chú ý về văn pháp, cú pháp, mà thôi.
Tác giả chân thành cảm tạ các đồng nghiệp sau đây đã có lời giới thiệu sách hoặc góp ý kiến xây dựng làm cho nội dung sách tốt hơn: GS VS TS Nguyễn Văn Hiệu (Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam), TS Thái Hồng Lam (Việt kiều Mỹ, Kỹ sư Chuyên nghiệp, Giám Đốc Kỹ thuật, Hội Việt - Mỹ).