Năm | 1971 |
---|---|
Trọng lượng | 500gr |
Loại Sản Phẩm | Bìa mềm |
Kích Thước | 26x14cm |
Số Trang | 172 |
Tác Giả | Cao Hữu Đính |
Nhà Xuất Bản | Minh Đức |
Văn Học Sử Phật Giáo
Với một truyền thống đạo học thâm hậu đã len sâu vào tâm hồn từ thời Vệ Đà cách đây khoảng bốn năm chục thế kỷ, tư tưởng Ấn Độ nói chung và tư tưởng Phật giáo nói riêng, mỗi bước mỗi tiến sâu thêm nữa vào thế giới u huyền của tâm linh. Nhiều phát kiến siêu việt và kỳ đặc trong địa hạt này, đã được các Thánh triết Ấn Độ trước sau nối tiếp nhau, khám phá và xiển dương.
Các khám phá này tuy thiên sai vạn biệt nhưng tựu trung đều chỉ quy tụ xung quanh một câu hỏi duy nhứt mà nhân loại tự đặt cho mình, khi tư tưởng mới chớm nở. Câu hỏi ấy là : Con người! Ngươi là ai? Xuất hiện giữa vũ trụ huy hoàng này để làm gì? Tương quan với vạn hữu ra sao?
Để giải đáp câu hỏi muôn thuở ấy, truyền thuyết Vệ Đà cho rằng con người là một tiểu ngã đồng nhất với đại ngã vũ trụ mà họ gọi là Phạm thiên, còn Phật giáo thì cho rằng, giữa con người và vũ trụ, mẫu số chung tuy có nhưng không phải không có nhiều dị biệt, nếu đứng về mặt tướng dụng mà nhìn. Vì vậy, đối với Phật giáo, cái đồng nhất tánh ấy không có nghĩa tuyệt đối. Tánh đồng nhất giữa vũ trụ vốn bao hàm tánh dị biệt. Và trong dị biệt thường hằng rào rạt tánh đồng nhất. Con người và vạn hữu vũ trụ, vì thế, nếu nói hai thì không đúng, nhưng nói một cũng chẳng nhầm. Sự thật tuyệt đối ở trong cái nghĩa bất nhị.
Nhưng dù quy kết ở đồng nhất tánh hay ở bất nhị tánh thì mọi hiện tượng ở giữa thế gian này vẫn không có thực. Tất cả đều hư huyễn, lăng xăng như một trò múa rối.
Nói đến sử học, ta không thể nào lãng quên hai yếu tố không gian và thời gian. Ghi chép những sự kiện xảy ra trong quá khứ, đương nhiên phải xác định nơi chốn xảy ra và năm tháng xảy ra. Nếu không xác định được thời gian và nơi chốn thì không cách gì trình bày được diễn tiến của những sự kiện lịch sử trước sau tiếp nối nhau một cách hợp lý hợp tình, theo quan điểm thế gian thông thường. Phải chăng vì cái sở đoản này của nền văn minh đạo học mà mãi cho đến ngày nay, quốc gia Ấn Độ vẫn chưa hoàn thành mỹ mãn cuốn lịch sử của nước họ, đúng theo tiêu chuẩn sử học hiện nay?
Trong khi chờ đợi một cuốn văn học sử Phật giáo đầy đủ như thế ra đời, nhân được đạo hữu Cao Hữu Đính cho xem bản thảo tập sách nhỏ này, nguyên là bài course mà đạo hữu đã soạn dạy cho sinh viên Đại học Vạn Hạnh và Phật học viện Trung phần, chúng tôi nhận thấy đạo hữu đã dày công sưu khảo, phối kiểm trên các tài liệu Hán văn và ngoại ngữ của các sử gia tên tuổi mà tập thành nên đã khuyến khích đạo hữu sớm cho xuất bản để cung ứng nhu cầu học hỏi của Phật tử nước nhà.