Những cơn gió heo may len lỏi vào từng góc phố nhỏ, mùa thu về gợi nhớ bao yêu thương đong đầy, bao xúc cảm dịu dàng của ký ức. Đó là nỗi nhớ đau đáu những hương vị quen thuộc của đồng nội, là hoài niệm bất chợt khi đi trên con đường cũ in dấu bao kỷ niệm... để rồi ta ước có một chuyến tàu kỳ diệu trở về những năm tháng ấy, trở về nơi nương náu bình yên sau những tháng ngày loay hoay để học cách trở thành một người lớn. Bạn sẽ được đắm mình trong những cảm xúc đẹp đẽ xen lẫn những tiếc nuối đầy lắng đọng trong “Trốn lên mái nhà đẻ khóc” của Lam.
Có nhiều câu chuyện luôn nằm trong khảm sâu của ký ức…
Ví như, hồi nhỏ vào ngày hạ sao giăng đầy trời, được nằm dưới hiên nhà cùng bà ngắm bầu trời đêm cùng chú cún cứ ve vẩy cái đuôi đến thích thú,
Ví như khi lớn hơn một chút, cùng đám bạn nhỏ cùng làng rong ruổi khắp bờ đê thả diều nhảy dây dưới màu trời của hoàng hôn ấm áp,
Ví như từng chiều nghe mùi cơm nếp thơm thoang thoảng cùng lời mẹ gọi về nơi đầu ngõ
…
Đến một thời điểm, chúng ta sẽ đột nhiên nhớ đến những chuyện đã từng quên, nhớ đến những người đã tạm biệt; sau đó bình tĩnh nói với bản thân, cũng tốt, chính bởi những sự kiện đó, ta mới dần trở thành ta của bây giờ. Và cũng chính bởi vậy, tất thảy những nỗi buồn xuất hiện đều thật đẹp, để bạn biết yêu thương và trân trọng những gì mình đang có.
Nếu như trong cuốn sách đầu tay “Đi vòng thế giới vẫn quanh một người”, Lam vỗ về chênh vênh trong lòng bạn bằng những vần thơ dịu dàng, thì đến "Trốn lên mái nhà để khóc" Lam sẽ tiếp thêm cho bạn can đảm để đối mặt với những tổn thương của mình, khiến bạn vững vàng và tin tưởng vào những điều mà bạn đã chọn.
Xuyên suốt 208 trang viết là những tản văn về mẹ, về bà, về gia đình và những mảnh kí ức còn đó của tuổi thơ. Từng trang sách, từng mẩu chuyện trong “Trốn lên mái nhà để khóc” tựa như một cuộn phim tua chậm, phía sau thước phim ấy là những câu chuyện mà Lam đã cất giấu ở một góc trời bao lâu nay, Lam sẽ đưa bạn về một vùng trời ký ức bình yên mà hồi ấy còn hồn nhiên vô tư trong nụ cười của những đứa trẻ.
“Em đã cất lại ước mơ về những con diều ở một góc thật sâu trong lòng mình. Nhưng em không thể ngăn đôi mắt ngước nhìn bầu trời những khi mùa gió đến, cũng chẳng thể ngăn đôi chân cứ rảo bước về phía triền đê, chạy theo những cánh diều không mang tên mình trên đó.”
Trái tim bạn, sẽ một lần nữa rung lên như những bản nhạc qua từng câu chữ, từng nhịp thơ mà Lam gửi gắm qua những niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc và cả buồn tủi...
“có những đứa trẻ lớn lên từ nhà
có những đứa trẻ từ thương tổn nơi đó đi ra
nếu đứa trẻ nào cũng là một bông hoa
mình mong em có đủ nắng vàng
để chờ ngày bung nở.”
Nếu bạn không biết phải nương mình vào đâu sau những bộn bề thì cuốn sách này của Lam tựa như một mái nhà đầy sao để bạn nép vào. Nơi kí ức được lưu giữ một khoảng trời riêng, nơi còn đó mùi hương của bà và hình ảnh của ông vẫn vẹn nguyên dù tháng năm có trôi đi. Nơi bạn có thể thoải mái thả trôi cảm xúc của mình mà chẳng cần gồng mình lên với những suy nghĩ của những người ngoài kia.
“Trốn lên mái nhà để khóc” là cuốn nhật ký nhỏ ghi lại những hoài niệm đẹp đẽ cất giữ vào góc nhỏ nơi sâu thẳm của trái tim của mỗi người, đồng thời cũng là người bạn đồng hành để chúng ta tiếp tục bước đi đến tương lai. Sau khi “Trốn lên mái nhà và khóc” khép lại, hãy mạnh mẽ để sống hết mình và để lại “những tháng năm rực rỡ”.