Năm | 2023 |
---|---|
Trọng lượng | 500gr |
Loại Sản Phẩm | Bìa mềm |
Kích Thước | 20 x14 cm |
Số Trang | 232 |
Tác Giả | Carlo Rovelli |
Nhà Xuất Bản | Thế giới |
Tác giả đưa chúng ta vào một hành trình đầy mê hoặc để khám phá bản chất, ý nghĩa của thời gian.
Thời gian là một bí ẩn không ngừng đánh đố chúng ta. Các triết gia, nghệ sĩ và nhà thơ từ lâu đã khám phá ý nghĩa của nó trong khi các nhà khoa học nhận thấy rằng cấu trúc của thời gian khác với trực giác đơn giản mà chúng ta có về nó. Từ Boltzmann đến lý thuyết lượng tử, từ Einstein đến hấp dẫn lượng tử vòng, sự hiểu biết của chúng ta về thời gian đã trải qua những biến đổi căn bản.
Với sự quyến rũ phi thường, kết hợp khoa học, triết học và nghệ thuật, Carlo Rovelli đã làm sáng tỏ bí ẩn về thời gian. Trật tự thời gian cho thấy rằng để hiểu chính mình, chúng ta cần suy ngẫm về thời gian - và để hiểu thời gian chúng ta cần suy ngẫm về bản thân.
ĐÁNH GIÁ/NHẬN XÉT CHUYÊN GIA
"Không ai viết về vũ trụ như nhà vật lý lý thuyết Carlo Rovelli. . . Câu chuyện mới về thời gian của Rovelli đầy duyên dáng và sáng rõ, cho dù ông đang trình bày về những sự thật hay chìm đắm trong những suy tưởng lãng mạn-triết học về bản chất của thời gian." - The Washington Post
"Một tác phẩm đầy bất ngờ và đượm chất thơ." -The Guardian
"Một cuốn sách nhỏ đầy duyên dáng." - Nature
TRÍCH ĐOẠN HAY
Nhịp điệu ngày đêm là suối nguồn cơ bản của ý niệm về thời gian: đêm nối tiếp ngày, ngày nối tiếp đêm. Ta đếm nhịp đập của chiếc đồng hồ vĩ đại này: ta đếm ngày. Trong ý thức cổ đại của nhân loại, thời gian, trên tất cả, chính là sự đếm ngày.
Cũng như đối với ngày, ta đếm năm, đếm mùa, đếm chu kỳ của Mặt trăng, ta đếm những đu đưa của con lắc, đếm số lần một chiếc đồng hồ cát được đảo ngược. Đây là cách truyền thống mà ta dùng để nhận biết thời gian: đếm sự thay đổi của sự vật.
Aristotle là người đầu tiên mà ta biết đến đã tự hỏi chính mình rằng ‘Thời gian là gì?’, và ông đã đi đến kết luận sau: thời gian là sự đo đạc của đổi thay. Vạn vật không ngừng biến dịch. Ta gọi số đo của sự biến dịch đổi thay này là ‘thời gian.’
Hãy để tôi tóm lược lại cuộc thám hiểm của chúng ta vào trong những miền đất xa xôi đã đề cập trong phần thứ nhất của cuốn sách này. Không có một thời gian chung nào cả: mỗi quỹ đạo có một khoảng thời gian riêng; và thời gian trôi với nhịp độ khác nhau tùy thuộc vào vị trí và tốc độ của đồng hồ. Thời gian không có định hướng: sự khác biệt giữa quá khứ và tương lai không tồn tại ở mức độ các phương trình cơ bản nhất của thế giới này; sự định hướng của nó chỉ đơn thuần là một hiệu ứng phụ thuộc xuất hiện khi ta nhìn vào sự vật mà lờ đi những chi tiết của nó. Trong cách nhìn mơ hồ này, quá khứ của vũ trụ thành ra rơi vào một trạng thái ‘đặc biệt.’ Khái niệm ‘hiện tại’ vốn không có ý nghĩa: trong vũ trụ bao la không có gì thích hợp để ta có thể gọi là ‘hiện tại.’ Lớp địa tầng cơ sở, khoảng thời gian, không phải là một thực thể độc lập khác biệt với những gì làm nên thế giới này; nó là tính chất của một trường động. Nó nhảy nhót, thăng giáng, vật chất hóa chỉ khi tương tác, và mất hút ở dưới thang cực vi… Trải qua tất cả những điều đó, thời gian của ta còn lại những gì?
Sự tiến hóa của khoa học gợi ý rằng ngôn ngữ cơ bản để suy nghiệm về thế giới là sự biến dịch, chứ không phải là sự thường hằng. Là sự hình thành, chứ không phải sự tồn tại.
Ta có thể xem thế giới như thể nó được tạo nên bởi sự vật. Bởi các hợp chất. Bởi các thực thể. Bởi những gì tồn tại. Hoặc ta có thể xem thế giới như là nó được hình thành bởi các sự kiện. Bởi sự xảy ra. Bởi các quá trình. Bởi những gì đang biến hiện. Những gì không phải chỉ tồn tại, mà luôn luôn trải qua các biến đổi liên tục, không thường hằng trong thời gian. Sự hoại diệt của khái niệm thời gian trong vật lý học cơ bản là sự sụp đổ của viễn cảnh thứ nhất, chứ không phải của viễn cảnh thứ hai. Nó là sự hiện thực hóa của sự phổ biến của tính không thường hằng, tĩnh tại trong thời gian bất động.
Nghĩ về thế giới như một tập thể các sự kiện, các quá trình, là cách thức sẽ cho phép chúng ta nắm bắt, lĩnh hội thế giới tốt hơn. Nó là cách thức duy nhất tương thích với tính tương đối. Thế giới không phải là tập thể các sự vật, nó là tập thể các sự kiện.
Sự khác biệt giữa sự vật và sự kiện là ở chỗ: sự vật thì tồn tại trong thời gian; sự kiện thì không có trường tính trong thời gian. Một hòn đá là ví dụ điển hình của ‘sự vật’: ta có thể tự hỏi rằng ngày mai nó sẽ ở đâu. Ngược lại, nụ hôn là một ‘sự kiện.’ Thật vô nghĩa khi hỏi ngày mai nụ hôn sẽ ở đâu. Thế giới này làm nên bởi những nụ hôn, chứ chẳng phải bởi đá sỏi. (chương 6)
Đó là những lý lẽ. Nhưng cuộc sống của ta lại chẳng phải chi phối bởi các lý lẽ. Lý lẽ giúp ta làm sáng tỏ những ý tưởng, tìm ra những sai lầm. Nhưng cùng những lý lẽ đó cũng cho ta thấy những mô hình hành động của ta được khảm sâu bởi bản chất động vật, của kẻ đi săn, của tính bầy đàn: lập luận làm sáng tỏ điều này, nó chẳng tự tạo ra điều đó. Ta, ở mức bản năng sơ cấp, không phải là sinh vật lý trí. Ta có thể nhiều hay ít trở nên lý trí ở mức độ thứ cấp. Nhưng ở bản năng sơ cấp, ta hành động theo khát khao được sống, theo bản năng kiếm mồi, theo bản năng tìm đến tình yêu, và bản năng tìm vị trí của ta trong cộng đồng… Mức độ thứ cấp chẳng hề tồn tại nếu không có mức độ sơ cấp này. Lý trí phân xử bản năng, nhưng cũng sử dụng cùng những bản năng đó làm tiêu chí phân xử. Nó đặt tên cho vạn vật, và cho cả cái khát khao kia, nó cho phép ta vượt qua những chướng ngại, nhìn thấu những điều ẩn giấu. Nó cho phép ta nhận ra vô vàn những cách sống không hiệu quả, những niềm tin sai lầm, và những định kiến của ta. Nó đã phát triển để giúp ta hiểu được rằng những con đường mà ta đeo đuổi, cho rằng chúng dẫn đến con mồi mà ta đang săn đuổi, thực ra là các con đường sai lầm. Nhưng cái dẫn lái cho ta chẳng phải là những suy tư về cuộc sống: mà chính là cuộc sống.
[…] Ta còn chẳng rõ ‘hiểu’ có nghĩa là gì. Ta xem xét thế giới này và mô tả nó: ta đưa nó vào trật tự. Ta chẳng có bao nhiêu hiểu biết về mối quan hệ giữa những gì ta thấy về thế giới và bản thân thế giới. Ta biết rằng chúng ta rất thiển cận. Ta chỉ nhìn thấy một của sổ bé xíu của cái phổ điện từ rộng lớn mà vạn vật đang phát xạ. Ta không thấy cấu trúc nguyên tử của vật chất, chẳng thấy độ cong của không gian. Ta thấy một thế giới mạch lạc mà ta ngoại suy từ tương tác của ta với vũ trụ, tổ chức qua những thuật ngữ đơn giản mà cái bộ óc vô cùng ngốc nghếch của ta có thể suy luận được. Ta nghĩ về thế giới qua những tảng đá, những rặng núi, những đám mây, con người, và đó là ‘thế giới quanh ta.’ Về cái thế giới độc lập với ta, ta nghĩ là ta biết khá nhiều, nhưng chẳng biết khá nhiều đó thực sự là bao nhiêu.
Và có vẻ đối với tôi, cái cuộc sống ngắn ngủi này chẳng có gì hơn thế: tiếng gầm thét của những xúc cảm chi phối chúng ta, mà đôi khi chúng ta cố gắng nhân danh một thượng đế, một đức tin chính trị, một thứ nghi lễ để trấn an ta rằng, ở mức độ cơ bản, vận vật đều có trật tự, trong một tình yêu vĩ đại vô biên – một tiếng gầm thét đẹp đẽ. Đôi khi là tiếng kêu đau thương. Đôi khi là một khúc ca.