Năm | 1973 |
---|---|
Trọng lượng | 500gr |
Loại Sản Phẩm | Bìa mềm |
Kích Thước | 20 x14 cm |
Số Trang | 80 |
Tác Giả | Nguyễn Đức Sơn |
... Được, tập TỊNH KHẨU, trong gồm nhiều bài quá siêu. Cũng vì cái quá siêu đó mà con cảm thấy có cái gì bất nhân, bất nhẫn, không đành. Và buồn lạ lùng. Bởi vì khi con hình thành và thu lượm lại, đại bác vẫn thản nhiên nện ỳ ành vào núi Đại Bình sau nhà. Và con biết đâu đây chỉ sau một ngày thôi, hàng vạn tấn bom cũng đang được các pháo đài bay B52 thản nhiên đổ xuống. Trong tiếng gầm rú của Cơ Khí và Kỹ Thuật vắng mặt hoàn toàn bất cứ chút gì thuộc về Nhân Tính, con đang cho in cái đây? Ba thử đọc:
Kiếp trước ta là du đãng
Kiếp này ta đi lảng vảng
Bên cầu tử sinh lỗ tai nghễnh ngãng
Đọc tiếp:
Luận về không hay có
Đâu bằng nhìn cái mồng của em
Sắp ló
Đọc tiếp nữa:
Ôi thôi mắc tội tày đình
Ngàn năm cái giống phê bình thơ ca
Hồn không bằng chiếc lá đa
Múa may chữ nghĩa làm cha tôi kìa
...
Ôi, con luôn luôn tức thở và hộc máu đến khô ngực mỗi khi nghĩ đến Văn Chương và Hành Động. Mà thơ văn con không bao giờ chạy theo kịp đời sống con. Hay đôi khi ngược lại cũng quá đúng. Phải, nhiều lúc con lại thấy rõ lạ lùng đời sống con không bao giờ đụng tới thơ văn con đâu. Nhưng cũng may mà chúng không đụng tới nhau, chớ hễ đụng tới là phải chết (Cho đến nay con không tài nào hiểu nổi cái gọi là nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh mà ở Việt Nam bắt đầu từ thế hệ của ba người ta đã mất công tranh cãi nhau, bởi vì rõ ràng đó chỉ là cái giả-vấn-đề). Mà không đụng tới, thì điên. Điên và chết, đời sống chỉ có chừng đó, quả thật chỉ có chừng đó. Nhưng trên bình diện Tuyệt Đối, ở chỗ nhất như tịch chiếu, rõ ràng con thấy con chìm xuống dưới, bay lên trên, tuyệt hảo, hai cái cõi thường nhập một lại đó trong thi phẩm này, dù Định Mệnh và kẻ thù văn nghệ một chiều - nghĩa là không có đối lực từ phía con - không biết từ đâu cứ bám riết. Bây giờ im lặng, TỊNH KHẨU, được rồi chưa ba? Hay vẫn mãi mãi còn đi một mình và ngồi giữa đám đông mà thở ra cái hơi lạnh ngắt:
Ngàn sau
Phơ phất gò bông lau
TÁC GIẢ
Trích thư gửi cho cha từ Blao đề ngày 19-8-1972