nhasachanhthanh.vn
HOTLINE
Hương Tích
Phát hành
Trọng lượng500gr
Loại Sản PhẩmBìa mềm
Kích Thước20 x14 cm
Tác GiảThích Nữ Trí Hải
Nhà Xuất BảnHồng Đức

TỊCH MỊCH KÝ

Giá bìa
70,000đ
Giá bán
66,500đ
Tiết kiệm:
3,500đ(5%)
Khuyến mãi:
  1. Miễn phí giao hàng cho đơn hàng từ 150.000đ ở TP.HCM và 300.000đ ở Tỉnh/Thành khácXem chi tiết
  2. Tặng Bookmark cho mỗi đơn hàng
  3. Bao sách miễn phí (theo yêu cầu)Xem chi tiết
  4. Được kiểm tra hàng và Thanh toán khi nhận hàng.
  5. Đặt online hoặc gọi ngay

TRÍCH “TỊCH MỊCH KÝ - MÙA XUÂN NHỚ RỪNG”:
Có những chặng đời đi qua, khi hồi tưởng lại ta thở phào nhẹ nhõm, ngạc nhiên tự hỏi làm sao mà ta thoát được an toàn vậy. Tùng Thiện Vương diễn tả ý này trong câu thơ tuyệt bút: Giang hồ kế vãng bạch âu kinh (kể lại chuyện cũ trên giang hồ, còn chim bạch âu nghe mà khiếp hãi). Chắc hẳn khi từ giã cõi đời ta sẽ ngạc nhiên tự hỏi: “Tại sao ta sống được đến lúc này!”. Nhưng có một chặng đời để lại trong tôi một niềm hỉ lạc vẫn còn âm hưởng mãi, ấy là khoảng thời gian độc cư ở núi rừng. Am tranh nằm dưới chân một ngọn đồi thoai thoải xuống con suối hẹp thông ra một nhánh sông nhỏ. Ngọn đồi còn nguyên vẹn chưa được khai thác, chỉ dăm ba nóc nhà ở rải rác cạnh đất trồng trọt. Kỳ dư toàn là cỏ xanh và thông. Mùa xuân năm ấy, dạo lên đỉnh đồi, tôi gặp vô số hoa dại nở trên cỏ và trong những hốc đá. Hoa đang thi nhau leo lên đỉnh đồi trong một cuộc hành hương đi viếng chúa Xuân.

Độc hành độc bộ giữa thiên nhiên u tịch nhưng tràn trề sức sống, tôi liên tưởng đến một ngọn đồi thông ở Đà Lạt chi chít mồ mả. Nơi đây, tuyệt không một nấm mồ. Thì ra nơi nào càng đông người càng lắm mồ mả, hiện tượng chết chóc xảy ra càng nhiều ở nơi có nhiều người sống. Trên ngọn đồi hoang vu sáng mùa xuân nọ, tôi bỗng thâm nhập lời kệ trong kinh Thủ-lăng-nghiêm: “sinh diệt diệt dĩ, tịch diệt hiện tiền”. Tịch diệt không phải là cái gì đối lập với sinh diệt, mà là một trạng thái vượt ngoài sinh diệt, hệt như ngọn đồi sáng mùa xuân ấy, không có gì ồn náo thuộc đời sống con người (sinh), nhưng cũng không có vẻ gì chết chóc của bãi tha ma (diệt). Nó ở ngoài sự sinh diệt của con người. Tình trạng vượt ngoài sinh diệt ấy có lẽ là Niết-bàn tịch diệt, không còn đối đãi giữa sống và chết.

Một buổi chiều trở về am cốc sau khi ra suối giặt giũ, tôi nghe cái thất gỗ của một vị ở trong rừng vừa cháy rụi trong khi vị ấy đi vắng. Gặp dịp Thầy ghé thăm, nghe chuyện cháy nhà, Thầy bảo tôi: “ở một mình nguy hiểm như vậy, con nên trở về là hơn. Chỉ có bậc thánh mới sống độc cư được”. Tôi cố biện luận, chỉ tại vị ấy không cẩn thận khi nấu lò dầu hôi. Ngày rộng tháng dài, tôi nghĩ nên làm cái gì chiếm lâu thời gian, bèn mượn bộ kinh Hoa-nghiêm về tụng. Tôi được cảnh cáo tụng kinh ấy đổ nghiệp dữ lắm. Tôi thường lấy làm khó chịu khi nghe ai nói vậy, và nghĩ: Tụng kinh thì tiêu nghiệp chứ sao lại đổ nghiệp được? Nếu có gì xảy ra thì không tụng cũng xảy ra,  và có lẽ còn trầm trọng hơn.

Quả nhiên khi tụng đến quyển thứ ba, tôi nghe rần rật phía bếp. Dòm qua khe vách ván ngăn điện Phật với chỗ nấu ăn, tôi thấy lò dầu hôi đặt trên cái ghế gỗ dài đang bốc lửa ngùn ngụt. Thì ra tôi quên khuấy mình đã đặt trên đó một nồi gạo, nên cũng quên coi chừng lúc cơm sôi. Bỏ chuông mõ đi vòng ra xem, tôi thấy cả lò dầu hôi bốc lửa trên sát trần nhà. Bước ra khỏi am tôi đứng ngoài nhìn lửa lóe ra qua những khe ván mà không biết phải làm gì cả. Tôi chỉ nhớ thỉnh tượng Phật và bộ kinh ra theo, còn lại bao nhiêu tôi cầm bằng như đã cháy. Cũng may ngay lúc đó một cô tạt ngang trông thấy bèn chạy ra ngõ kêu lớn: “Cứu với! Cháy nhà”. Khi ấy tôi mới sực nhớ là mình quên kêu cứu. Mà có nhớ tôi cũng không kêu được như vị ấy.

Con người nói chung có những lối xử sự truyền thống trong những hoàn cảnh như vậy. Phần tôi, kinh nghiệm “cháy nhà” quá mới mẻ nên chỉ biết lặng người đứng nhìn. Khi nghe kêu cứu cháy nhà, tôi mới nhận ra đấy là một cảnh cháy nhà thật sự, như trăm ngàn đám cháy khác. Một cô vác cuốc đi ngang, nghe kêu “lửa!” bèn tạt vào. Cô vòng ra phía nhà bếp, dùng cái cuốc khều một cái bằng cách nào không biết mà lùa ra được cùng một lúc vừa ghế dài, vừa lò dầu hôi đặt trên ghế, vừa nồi cơm đặt trên lò. Tất cả ngần ấy thứ lại phải len lỏi qua một tấm màn treo cửa bằng sợi nylon lòng dòng do tôi đã dư công ngồi xé vụn ra cho thật mảnh! Nhìn đống lửa cô đã kéo ra được, tất cả mọi người đều ngạc nhiên, chính cô cũng ngạc nhiên không kém! Căn nhà trở lại nguyên vẹn không một vết cháy sém, mặc dù vách trần đều bằng ván, lại gặp mùa gió. Những người đã chứng kiến cảnh ấy mỗi khi nghĩ lại đều cho là một phép mầu.

Vị cho mượn bộ kinh nhắc lại một cách đắc thắng: “Đó, tụng kinh Hoa-nghiêm đổ nghiệp thấy không”. Tôi vẫn cãi, chính nhờ tụng Hoa-nghiêm nên đáng lẽ cháy nhà mà khỏi cháy. Nhưng tôi cũng kiếm cớ trả lại bộ kinh, lại dẹp luôn lò dầu hôi vĩnh viễn. Tôi khởi sự đi khất thực những am thất quanh vùng một thời gian rồi cũng chán, ở lì trong thất, định tuyệt thực thử được bao lâu. Nhưng vừa tĩnh tọa xong bước ra hành lanh đã thấy một rá cơm và thức ăn ai để sẵn. Những thí chủ đến giờ ăn không thấy tôi, đã tự động mang cơm lại.

Giữa lúc tiến thối lưỡng nan, tôi được thư cháu viết: “Thiên hạ đều thích núi rừng, biển khơi, hải đảo, vì ở đó họ tìm thấy sự tĩnh mịch bao la của tâm mình. Nhưng cháu sẽ tự biến mình làm núi rừng, hải đảo, để người ta khỏi mất công tìm kiếm”. Lời cháu như khuyến khích tôi trở về thành, nhưng thâm tâm tôi vẫn nghĩ có lẽ vì thiếu duyên phước nên tôi mới không được cư trú ở núi rừng như lời Thế Tôn dạy. Và rừng núi từ đây mãi mãi là một nơi quê hương thân thiết mà tôi luôn muốn quay về…

1 điểm 2 điểm 3 điểm 4 điểm 5 điểm
0
Hiện chưa có đánh giá nào
5 sao 0%
4 sao 0%
3 sao 0%
2 sao 0%
1 sao 0%
Câu hỏi về sản phẩm
Hãy đặt câu hỏi để chúng tôi có thể hỗ trợ bạn tốt hơn, xin chân thành cảm ơn.