Năm | 2023 |
---|---|
Trọng lượng | 500gr |
Loại Sản Phẩm | Bìa mềm |
Kích Thước | 20 x14 cm |
Số Trang | 256 |
Tác Giả | Nguyễn Thị Hậu |
Nhà Xuất Bản | Tổng Hợp Tp.HCM |
Cuốn sách mới nhất này của Hậu "Thương những miền qua" là một trong chuỗi sách tản văn, tạp bút mà Hậu từng xuất bản hàng chục đầu sách, kể từ cuốn tạp bút đầu tiên: Đi và Tìm trong Đất, năm 2008. Song song với chuỗi sách này là chuỗi sách chuyên khảo về khảo cổ học, mà người đọc tôi thích nhất hai cuốn: Khảo cổ học bình dân Nam bộ (viết chung, 2010) và Đô thị Sài Gòn – TP HCM - Khảo cổ học và bảo tồn di sản (xuất bản năm 2017, tái bản 2019).
Không ngưng được nỗi lòng, Hậu thổn thức viết tiếp: Chữ thương bao dung nhân hậu, nhẹ như hơi thở mà người miền Tây chỉ buông ra khi dằn lòng không được. Bởi vậy, người đọc nào cũng có thể động lòng mà cùng theo Hậu thương về miền Tây, cùng Hậu thương không để đâu cho hết, những con nước lớn, nước ròng, chiếc xuồng chiếc ghe xuôi ngược miên man trên sông rạch, thương xóm, thương làng trải dài ven sông yên bình, thương những vườn cây trĩu trịt hoa trái miệt vườn, những con đường rợp bóng cây xoài, cây dừa và những ngôi chợ miền Tây sầm uất bán mua cả trên đất bằng lẫn trên sông nước… Tất cả nặng trĩu trong tâm thế người viết Nguyễn Thị Hậu, đong đầy trong một chữ thương… khiến người đọc cũng vì chữ thương ấy mà cầm lòng không đậu!
"Ấn tượng nhất về cái đọc, được gây ra từ sách “Thương những miền qua” của Nguyễn Thị Hậu là một giọng văn tự sự đậm chất Nam bộ, trong cách kể chuyện rủ rỉ tâm tình, gây nhớ, gây thương, và gây ngẫm ngợi của người viết. Với tư thế và tâm thế của một phụ nữ làm nghề đặc biệt – khảo cổ học, kể về những miền đất đi qua – với muôn vàn thương nhớ.
Thực ra, Hậu không chỉ đi qua, mà là đi đến và cũng là đi về miền đất quê hương, nơi cha sinh mẹ đẻ. Và Hậu đã không ngừng đi, không chỉ đi, trên dọc dài đất nước mình. Để rồi, tất cả sự đi chứa chan cảm xúc ấy, đã lên hương, thành tình tự, ngụ trong một chữ thương, (theo cách nói Nam bộ, chữ thương dùng để chỉ chữ yêu. Con trai Nam bộ không nói anh yêu em mà nói anh thương em).
Bởi vậy, chữ thương ngự ngay tên sách của Hậu: “Thương những miền qua”. Vì thế, sách có chữ thương này rất có thể động lòng người chịu đọc nó.
Bởi lẽ, người đọc nào mà chẳng thương miền đất đã sống, thương miền đất sắp đến và thương về miền đất mình sẽ trở lại - nơi quê hương nguồn cội.
Như khát khao “quay đầu về núi”?..."
PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Thái