Năm | 1971 |
---|---|
Trọng lượng | 500gr |
Loại Sản Phẩm | Bìa mềm |
Kích Thước | 20 x14 cm |
Số Trang | 178 |
Tác Giả | Hải Thượng Lãn Ông |
Nhà Xuất Bản | Văn Học |
"Như ta đã thấy, Lãn Ông không chỉ là một thầy thuốc lỗi lạc. Ông còn là một nhà thơ và một nhà văn xuất sắc bậc nhất của thời Lê mạt.
Tập “Thượng kính kí sự” này gới thiệu một cách rất sinh động thi sĩ Lãn Ông, đồng thời nó nói đến cái xã hội quý tộc thời Lê mạc trước khi xảy ra những biến động lớn: cuộc nổi dậy của Kiêu binh và những hậu quả của nó.
Như cái tên của tác phẩm, nó là một tập kí sự khá đơn giản. Tác giả kể lại cuộc hành trình của mình lên Kinh để chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán và Chúa Trịnh Sâm, kể lại thời gian sống ở Kinh thành Thăng Long, giao du với các công khanh nho sĩ, kể lại mọi sự cố gắng của mình để thoát khỏi vòng danh lợi và cuối cùng được quay về núi cũ.
Nhưng tập kí sự có vẻ vắn tắt này lại có một giá trị khá lớn đối với văn học và sử học.
Giá trị văn học của nó là ở chỗ nó làm ta thấy một cách sâu sắc con người Lãn Ông.
Con người Lãn Ông trước hết là một con người kiên nghị. Ông kiên quyết đem tất cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp y học, muốn đem sở đắc của mình truyền bá với đời. Chính vì vậy ông xem công danh như mây nổi, nghe đến việc làm quan thì “lạnh cả gáy”. Trước sau ông chỉ muốn làm một người bình thường và có ích. Tuy chân bước lên Kinh, nhưng lòng vẫn nhớ quê nhà, núi cũ. Đối với núi cũ, cũng như đối với người xưa bao giờ ông cũng chân thành. Chính cái chí kiên nghị và cái lòng chân thành của ông đã cảm hóa được nhiều người đương thời và ngày nay đọc lại ta vẫn thấy ông rất gần chúng ta.
Con người Lãn Ông là một nhà thơ ẩn dật. Thơ của ông rất hay. Không trách những văn nhân công khanh đương thời ai được họa thơ với ông cũng đều cho là một vinh hạnh lớn ở đời. Lời thơ mới mẻ, tứ thơ man mác, ngó thì đạm nhưng ý vị vô cùng. Có cái vẻ đẹp của bóng trăng trên núi, cái khí thanh của gió trên sông. Đọc lên, nhắc người ta nhớ tới Lý Bạch. Phải có một tình yêu thiên nhiên sâu sắc, phải là một tâm hồn chân thành mới có những bài thơ như thế.
Con người Lãn Ông lại là một nhà văn có giá trị. Ngày xưa, học chuộng về từ chương không mấy ai viết văn tự sự kể những việc hằng ngày. Quyển này gần như là quyển duy nhất trong nền văn học cổ. Ở đây người thực chép việc thực. Văn của Lãn Ông là một lối văn tinh tế. Ngó qua thì hơi lạt nhìn kỹ thì rất sinh động. Nó cũng như con người Lãn Ông, ngó qua tưởng đâu là một kẻ tu hành muốn trốn việc đời. Lúc nhìn kỹ lại chính là một người hồn nhiên, vui vẻ, rất tha thiết với cuộc sống, rất yêu đời. Xếp quyển sách lại, đố ai quên các nhân vật. Đoạn tác giả thăm bệnh quan Tham tụng tả binh, đoạn tác giả về làng, đoạn tác giả vào phủ chữa bệnh cho chúa Trịnh chẳng phải như vẽ đó sao?
Nhưng đối với đời sau, nó lại còn quý giá ở chỗ nó vẽ lại những sự thực của lịch sử. Nó làm ta thấy lại một cách sinh động cuộc sống của chúa Trịnh, sinh hoạt giao du của tầng lớp công khanh, nho sĩ, nó miêu tả lại những con người có một vai trò nhất định trong lịch sử của thời Lê mạt: Trịnh Sâm, Trịnh Cán, Hoàng Đình Bảo, nó làm ta thấy lại thành Thăng Long cách đây hai trăm năm, trong đó có nhiều di tích nay không còn nữa. Đó là những điều không thể có được trong một quyển sử cũ.
Ở các nước, những quyển ký sự của những người đương thời là những tài liệu rất quý báu để người đời sau có một cái nhìn sinh động về thời đã qua. Tưởng không nên xem như là một câu chuyện phím của thầy thuốc Lãn Ông.
Được sự ủy thác của Nhà xuất bản Văn Hóa, chúng tôi cố gắng dịch lại tập ký sự này. Tựu trung có một vài điểm cần trình bày:
Sách gồm có phần ký sự, phần thơ và các đơn thuốc.
Trong nguyên bản không chia ra các chương, chỉ viết một mạch từ đầu đến cuối. Chúng tôi chia ra các chương để bạn đọc theo dõi cho tiện.
Nhưng dù thêm hay bớt, chúng tôi cũng cố hết sức cung cấp một bản dịch trung thành với nhà thuốc, nhà văn và thi sĩ Lãn Ông. Việc làm của chúng tôi cố nhiên không thể khỏi thiếu sót rất mong các bạn bổ chính cho.
Cuối cùng, chúng tôi cám ơn cụ Bùi Kỷ đã duyệt lại bản dịch."