Năm | 2022 |
---|---|
Trọng lượng | 500g |
Loại Sản Phẩm | Bìa cứng |
Kích Thước | 16 x 24 cm |
Số Trang | 696 |
Tác Giả | Niall Ferguson |
Nhà Xuất Bản | Thế giới |
“Quảng trường và tòa tháp: Mạng lưới và quyền lực, từ Hội Tam điểm đến Facebook” (tên tiếng Anh: “The Square And The Tower: Networks And Power, From The Freemasons To Facebook”) là tác phẩm mới nhất của tác giả từng đạt nhiều giải thưởng nổi tiếng của Anh - Niall Ferguson. Xuất bản lần đầu năm 2018 và được bình chọn là cuốn sách bán chạy nhất của New York Times, tác phẩm đã mang đến một bản tái hiện xuất sắc những bước ngoặt trong lịch sử thế giới, bao gồm cả giai đoạn mà chúng ta đang sống, cũng như sự va chạm giữa hệ thống phân cấp quyền lực cũ và mạng xã hội mới.
Tác giả Niall Ferguson (18/4/1964) là một trong các sử gia nổi tiếng nhất ở thời hiện đại, được Tạp chí Time bình chọn là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2004. Ông là tác giả của 15 cuốn sách nổi tiếng, được giới chuyên môn cũng như độc giả đánh giá cao.
Thế kỷ XXI đã được ca ngợi là kỷ nguyên của kết nối mạng lưới, hiểu theo cả nghĩa công nghệ lẫn nghĩa xã hội. Tuy nhiên, trong “Quảng Trường Và Tòa Tháp”, Niall Ferguson lập luận rằng các mạng lưới đã và luôn luôn đồng hành cùng chúng ta từ rất lâu đời cho đến tận thời nay, từ hình thái cấu trúc của bộ não đến chuỗi thức ăn, từ phả hệ gia đình đến khối cộng đồng tự do… Trật tự thứ bậc (mô hình tổ chức theo chiều dọc) và kết nối mạng lưới (mô hình kết nối quan hệ theo chiều ngang, với ví dụ dễ thấy ở thời hiện đại là các mạng xã hội như Facebook, Twitter…) đã luôn tồn tại song song với nhau xuyên suốt sự phát triển của xã hội loài người; chứ hoàn toàn không giống như chúng ta tưởng, rằng mạng xã hội chỉ mới xuất hiện gần đây.
Có thể nói, cuốn sách này ra đời với tư cách một khảo sát về lịch sử tồn tại và hoạt động của các hệ thống mạng lưới trong xã hội con người (từ câu chuyện về các hội kín cho đến các “mạng lưới” được ứng dụng trong chiến tranh du kích ở Borneo và chiến tranh Việt Nam… từ trước thời Facebook; từ việc các mạng lưới giúp tạo ra những phát kiến đổi mới cho đến việc các hệ thống trật tự thứ bậc đã giúp phổ biến các phát minh đổi mới đó…), về căng thẳng giữa các mạng lưới phân tán và các trật tự thứ bậc vốn lâu đời như chính loài người và tồn tại bất chấp tình trạng công nghệ (mặc dù công nghệ có thể ảnh hưởng đến việc bên nào chiếm ưu thế), cũng như sự trở mình để vươn lên nắm lấy quyền lực tối cao trong một xã hội của những mạng lưới này, để từ đó có thể tác động làm biến chuyển và cải tạo các cộng đồng từ phạm vi cục bộ đến toàn cầu.
Nhiều người ngày nay mắc sai lầm khi nghĩ rằng Internet đã thay đổi bản chất thế giới. Tuy nhiên, theo một phán quyết đa số gần đây của Tòa án Tối cao Mỹ đã ghi nhận, Internet chỉ là “quảng trường công cộng hiện đại”. Kỳ thực, công nghệ đến và đi. Thế giới vẫn là một thế giới của quảng trường và tòa tháp.
Như chính tác giả Niall Ferguson đã phân bày:
“Để hiểu được tại sao cuốn sách này được đặt tên là “Quảng trường và tòa tháp”, người đọc phải đi đến Siena. Đi bộ qua quảng trường có hình vỏ sò Palazzo del Campo đến tòa thị chính Palazzo Pubblico, bước qua dưới bóng gác chuông tòa tháp Torre del Mangia hùng vĩ, để thấy rằng không nơi nào trên thế giới bạn có thể gặp cảnh tượng hai hình thức của tổ chức loài người mà cuốn sách miêu tả lại được đặt cạnh nhau tao nhã đến vậy: xung quanh bạn là không gian công cộng xây dựng với mục đích phục vụ tất cả những hoạt động có phần không quá trang trọng của người dân [quảng trường]; còn phía trên là tòa tháp hùng vĩ tượng trưng và biểu hiện cho quyền lực lâu đời.”
Trích đoạn hay "Quảng Trường Và Tòa Tháp"
“Cuốn sách này […] kể câu chuyện về tác động lẫn nhau giữa các mạng lưới và trật tự thứ bậc từ thời xa xưa cho đến gần đây. Nó tập hợp những hiểu biết lý thuyết từ rất nhiều ngành học, từ kinh tế học đến xã hội học, từ khoa học thần kinh đến hành vi tổ chức. Luận điểm trung tâm của cuốn sách là các mạng xã hội luôn có vai trò quan trọng hơn nhiều trong lịch sử so với những gì hầu hết các nhà sử học, với niềm lưu luyến với các tổ chức thứ bậc như các nhà nước, cho phép – và chưa bao giờ quan trọng đến vậy trong hai thời kỳ. “Thời đại nối mạng” đầu tiên theo sau sự ra đời của máy in ở châu Âu vào cuối thế kỷ XV và kéo dài đến cuối thế kỷ XVIII. Thời kỳ thứ hai – thời của chúng ta – bắt đầu từ những năm 1970,dù tôi cho rằng cuộc cách mạng công nghệ mà chúng ta gắn nó với Thung lũng Silicon là hệ quả nhiều hơn là nguyên nhân của một cuộc khủng hoảng của các tổ chức thứ bậc. Giữa hai thời kỳ này, từ cuối những năm 1790 cho đến cuối những năm 1960, cho thấy xu hướng ngược lại: các tổ chức thứ bậc đã thiết lập lại quyền kiểm soát của mình và thành công trong việc dập tắt hoặc sáp nhập các mạng lưới. Đỉnh cao của quyền lực được tổ chức theo thứ bậc trên thực tế là giữa thế kỷ XX – kỷ nguyên của chế độ chuyên chế và chiến tranh tổng lực.”