Năm | 1973 |
---|---|
Trọng lượng | 500gr |
Loại Sản Phẩm | Bìa mềm |
Kích Thước | 17 x 24 cm |
Số Trang | 330 |
Tác Giả | Thích Huyền Vi |
Nhà Xuất Bản | Hương Đạo |
Thế nào gọi là Phật lý căn bản? - Giáo-lý chính yếu của Phật-giáo, tóm lược các quan điểm trong ba tạng (Tripiṭaka). Thích-Ca-Thế-Tôn (Sākyalokajyṣṭha) sau khi chứng thành đạo quả, Ngài đi chu du khắp xứ Ấn-Độ thuyết pháp độ sanh 45 năm trường, hơn 300 hội. Giáo-lý của Ngài có chia ra 84.000 pháp môn, vô lượng diệu-nghĩa. Yếu-điểm trong giáo-lý của đức Phật là để thuyết giảng cho các tầng lớp chúng sanh: nhận rõ thể tướng của vũ-trụ và nhân sinh, hiểu thấu đâu là bến mê, đâu là bờ giác, thế nào là chơn, thế nào là vọng. Giáo-lý của đức Phật mặc dù có chia ra nhiều pháp môn như thế, nhưng điểm cốt yếu, chúng ta phải hiểu biết tường tận về căn bản. Phật Lý Căn Bản là nền tảng duy nhất để mọi người đạt đạo giải thoát (mokṣa). Nó là con đường giúp ta tiến đến Niết-Bàn (Nirvāṇa). Cũng như thế, muốn xây dựng tòa lâu đài vững chắc, điều kiện trước tiên, chúng ta phải lo xây đắp nền móng cho thật kiên cố.
Tám muôn bốn ngàn pháp môn, ba tạng kinh điển của Phật truyền lại, mặc dù giải thích rộng rãi sâu xa, nhưng không ngoài Phật Lý Căn Bản trong tập sách nầy. Giáo-lý căn bản chỉ cho ta thấy lời Phật thuyết pháp không sai, dẫn chứng cho ta thấy bánh xe luân hồi (saṁsāra) không bao giờ ngừng quay trong dục giới (kamāvacarā) nầy. Nhờ giáo-lý căn bản chúng ta biết chắc rằng họa hay phước do mình tự tạo. Phật Lý Căn Bản nói cho chúng ta biết mỗi người đều có thể thành Phật vì ai cũng đều có Phật-tánh. Các vấn đề giải thích trong tập sách nầy chúng tôi không chú trọng phần lý thuyết suông, mà điểm cốt yếu là hy vọng mỗi người phải hiểu rõ rồi thật hành, có thật hành mới hiểu rõ chân giá trị của nó.
Sách này là một tập tài liệu căn bản, giúp cho các Giảng-sư, Giáo-sư cũng như sinh viên trong phân khoa Phật-học và các viện Cao-Đẳng Phật-Giáo, nhất là Giảng-sư đoàn, khi đi giảng đạo các nơi. Tài liệu viết tập sách nầy, các điểm chính yếu, chúng tôi dựa theo trong tạng Phạn-ngữ, về thể thức trình bày, chúng tôi theo các bài thuyết pháp của chư vị Đại Pháp-sư Trung-Quốc, đã giảng qua nhiều Pháp hội đạo tràng.