Barcode | 978604847220 |
---|---|
Năm | 2023 |
Trọng lượng | 1000gr |
Loại Sản Phẩm | Bìa mềm |
Kích Thước | 20 x14 cm |
Số Trang | 346 |
Tác Giả | Thu Trân |
Nhà Xuất Bản | Đà Nẵng |
Có một hậu phương miền Nam rừng rực lửa chết chóc đau thương trong cuộc chiến ở Việt Nam giai đoạn 1954-1975. Mà thủ phạm là chiến tranh- một cuộc chiến không khoan nhượng giữa hai làn tên mũi đạn. Đọc Người Đi Tìm Bóng Núi của Thu Trân để biết giá trị của hoà bình, để biết những chập chùng và day dứt của các luồng tư tưởng khác nhau trước khi non sông về một mối.
Có một hậu phương miền Nam như “chịu tội tổ tông”, thay mặt cả dân tộc để hứng lấy những gì khắc nghiệt nhất từ bom đạn từ trước năm 1972 khi Mỹ bắt đầu không kích hậu phương miền Bắc. Màn dạo đầu của chiến tranh nhắm vào thường dân quả không dễ chịu chút nào. Nơi ấy có bầy chim câu hiền hoà trên sân nhà thờ lả tả những cánh bay. Nơi ấy có những đứa trẻ chơi nhà chòi xác thịt không toàn thây.
Sau bom đạn, chết chóc, đau thương- dĩ nhiên là một chuỗi dài những ngày hoà bình “có hậu”. Không chỉ là hoa thơm trái ngọt mà còn có cả những đắng đót rã rời gọi là di chứng của chiến tranh. Vào những trang cuối của Người Đi Tìm Bóng Núi, di chứng của chiến tranh bỗng trở nên “mềm” hơn, ngọt ngào hơn với lời tự sự của tác giả: “Bạn đọc “Người đi tìm bóng núi”, bạn sẽ thấy tôi và bạn trong đó. Cảm thức ngây ngô, băn khoăn, trăn trở, tận hưởng và bằng lòng với chính mình là một chuỗi dài tâm lý các nhân vật trong tiểu thuyết, một chuỗi dài trong kiếp được làm người của chúng ta. Đơn giản hơn, bạn ước được thấy gì trước tiên khi mỗi sớm mai thức dậy? Tôi ước thấy một bông hoa lạ nằm trên bậu cửa sổ, mà bông hoa này là tinh tuý của trời trăng mây gió nắng mưa cộng lại sau những gì đất trời vần vũ tối hôm qua…”.
Vâng, rồi mọi thứ sẽ “mềm” hơn, ngọt ngào hơn như cuộc sống vốn dĩ phải vậy, cho người ta được quyền sống tiếp. Chiến tranh là cái quái quỷ gì mà nhân loại “đam mê” đến vậy? Chẳng qua chỉ là sự không từ bỏ được bản năng sở hữu và thích thể hiện chính mình. Như cuộc chiến Ukaine hiện nay ngày càng trở nên ác liệt, rối rắm mà mãi không có lối ra…
------
Gần 350 trang sách, tiểu thuyết Người Đi Tìm Bóng Núi (NXB Đà Nẵng 2023) của nhà văn Thu Trân đã đề cập tới 2 cuộc chiến tranh- nói đúng ra là hai thời kỳ tao loạn trên đất nước Việt Nam.
Cuộc chiến tranh lần một rừng rực máu lửa trước tháng 4/1975 và cuộc chiến tranh lần hai, phải và nên kể từ khi người miền Nam xuống thuyền vượt biên đến cuộc cải tạo tư sản mại bản ở các đô thị miền Nam, rồi chiến tranh biên giới tây nam và những ngày cơ khổ cùng cực trước thời kỳ mở cửa của cả nước. Và cũng trong “cuộc chiến tranh thứ hai”, chưa hề kết thúc với tệ nạn tham nhũng, với tệ nan cướp ruộng cướp vườn; với sự phân tranh quyết liệt giữa giàu nghèo, nông thôn, thành thị. Cuộc chiến tranh nào, cơn tao loạn nào cũng hiện lên trong tiểu thuyết Người Đi Tìm Bóng Núi của Thu Trân với tầm khái quát, độ miêu tả xác thực và những nét chạm khắc tinh xảo với sức thuyết phục mạnh mẽ.
Ấy vậy nhưng Người Đi Tìm Bóng Núi không hề là tiểu thuyết sử thi.
Sách bắt đầu từ một gia đình với quan hệ ruột rà, bè bạn. Sách triển khai theo dõi số phận những nhân vật ấy suốt mấy chục năm. Nhưng tuyệt nhiên không bằng cớ nào nói Người Đi Tìm Bóng Núi là tự truyện.
Sách xa gần chỉ ra mọi chuyện của bên thắng cuộc, bên thua cuộc. Sách chỉ cho chúng ta- bằng tâm linh, bằng soát xét dưới góc độ của những giá trị tinh thần- đạo lý trong đội ngũ bên này có người bên kia và ngược lại. Cho nên, việc kêu gọi phải cảm thông, chia sẻ, hòa hợp là đương nhiên.
Ấy vậy, nhưng sách không hề, không thể tìm được chất chính luận. Và càng không phải là tiểu thuyết chính luận. Vậy nên xếp Người Đi Tìm Bóng Núi vào thể loại nào đây? Tôi thiển nghĩ, thể loại thích hợp nhất của nó là tiểu thuyết.
Tiểu thuyết với đích đến là thân phận con người. Tiểu thuyết bởi cung cách diễn tả, cung cách kết cấu, những ẩn dụ hoán dụ, những gì cần chuyển tải tới bạn đọc đều thông qua chỉ một con đường duy nhất- cách thuật chuyện.
Xin được nói ít lời về đoạn kết của cuốn sách.
Cô bé Bích La- cô thiếu nữ Bích Chương và người đàn bà Bích Chương sau này có một gốc gác gia đình như vậy; có một quan hệ bạn bè như vậy; được chuẩn bị một học vấn kỹ càng, đầy đủ như vậy. Chưa muốn nói rằng, nhân vật nữ này có đủ tư cách, phẩm giá để làm người yêu, người vợ, người mẹ… nhưng không hiểu sao đối với người phụ nữ này, hạnh phúc bao giờ cũng như không có thật, cũng như ở ngoài tầm tay với. Đến với mối tình cuối cùng- tưởng như đất trời, phúc phận đã đoái thương, đã đền bù, nhưng mối tình đó cũng như bát nước tuột khỏi tay.
Nửa thế kỷ trước, nhà thơ Bằng Việt, khi ấy mới trong ngoài 20 đã viết được 2 câu thơ:
Chưa bao giờ ta hiểu hết cuộc đời
Chỉ càng lớn càng thương cảm nó…
Cám ơn nữ đồng nghiệp Thu Trân, qua gần 350 trang viết đã làm đúng thiên chức cũng như định mệnh của nhà văn: không tung hô, thần tượng, sùng phục ai; không ngưỡng mộ điều gì quá đáng; cũng không đi đến thù hận, căm ghét ai… Nhà văn chỉ biết mở lòng ra mà thấu hiểu, mà tăng nhip đập con tim lên để xót xa, thương cảm những kiếp người.
Trong “Sông Đông êm đềm”- bộ tiểu thuyết vĩ đại nhất của nhà văn Nga Mikhail Aleksandrovich Sholokhov, chàng Grigori Melekhov chửi rủa Bạch quân, bỏ Bạch quân để sang với Hồng quân. Trước bi kịch huynh đệ tương tàn, Grigori chán tất cả để trở về với nàng Assinhia. Nhưng rồi một viên đạn lạc- chẳng rõ của phe nào đã cướp đi tình yêu trên tay chàng, Assinhia- niềm an ủi, chỗ nương tựa cuối cùng của người lính trẻ loay hoay với thân phận mình giữa bốn bề mịt mù chiến tranh khói lửa.
Tôi có cảm giác- không có cách kết thúc nào khác câu chuyện về cuộc đời Bích La- Bích Chương, cái kết thúc của Người Đi Tìm Bóng Núi cũng đã bắt gặp cái kết thúc của chàng lãng tử Grigori trong “Sông Đông êm đềm”…
— Nhà văn Tô Hoàng