Năm | 1970 |
---|---|
Trọng lượng | 500gr |
Loại Sản Phẩm | Bìa mềm |
Kích Thước | 20 x14 cm |
Số Trang | 176 |
Tác Giả | Hải Thượng Lãn Ông |
Nhà Xuất Bản | Y Học và Thể Dục Thể Thao |
TIỂU DẪN
Kinh Dịch chép: "... Rất mực thay Khôn nguyên, muôn vật nhờ đó mà sinh ra..." Tỳ Vỵ đều thuộc về Thổ, tức là có đầy đủ cái đức "khôn nhu"(1), cho nên trong bài Hóa nguyên luận có câu: "... Tỳ là một cơ quan sinh hóa của hậu thiên..." đứng đầu các cơ quan sinh lý của con người, là nguồn của trăm luồng mạch và là bể của Thủy, Cốc (2), năm Tạng, sáu Phủ đều nhờ sự chuyển vận tưới nhuần của nó; phàm những tác dụng sinh ra tinh, huyết, dội vào bách mạch, nhuần ra các Kinh, và điều Vinh, dưỡng Vệ đều trông nhờ vào các bộ phận trung châu đó (3).
Sách chép: "... Vỵ bại thời tinh bị thương mà dương sự (tức việc giao cấu của trai gái) kém; Vỵ mạnh thời Thận đầy đủ mà tinh khí vượng..." Do đó lại có thuyết: "... Bổ Thận không bằng bổ Tỳ..." cũng là do trong khi chẩn mạch, thấy có Vỵ khí thời sống, không có Vỵ khí thời chết, nên phải kịp bồi bổ, ngõ hầu công hiệu được chóng. Xem như những người mắc bệnh kém ăn, hoặc không ăn được, cho một chút gạo nếp lẫn vào thuốc để sắc uống, sẽ thấy tỉnh táo ngay, dù Quế, Phụ công hiệu cũng không nhanh chóng bằng. Cho nên đem cái khí huyết là vật có hình dễ biết mà so với thủy hỏa là vật vô hình khó hiểu, thời một đằng sâu, một đằng nông, hình như có phần hơn kém. Nhưng mọi bệnh sinh ra, cả hai đều là cơ quan trọng yếu. Tỳ cũng có thể ngang hàng với Thận. Người nông nổi, dò dẫm từng chương, không biết tìm tới gốc rễ, chẳng qua chỉ là cái lối gặp đầu chữa đầu, gặp chân chữa chân, làm một Bá thuật trong y giới mà thôi.
Tôi đối với nghề Y, cũng đã biết qua cửa ngõ, lấy làm hứng thú, trước đã soạn cuốn Huyền tẫn phát vi, luận về Tiên thiên thủy hỏa, giờ lại soạn cuốn Khôn hóa thái chân này, nói về khí huyết của Hậu thiên, ý cũng muốn cho người sau biết rõ đường lối để điều trị tật bệnh cho khỏi lỡ lầm đấy thôi. Tên sách tuy không được nhã, mong bạn đọc lượng thứ cho.
---------
(1) Khôn tức là quẻ Khôn, một quẻ trong Kinh Dịch, chỉ về đất: dưới quẻ Càn, chỉ về trời. Nhu có nghĩa là mềm mại, chỉ về cái chất của đát, có mềm mại mới sinh ra được muôn vật.
(2) Thuật ngữ của Đông y. Thủy là tổng danh của nước, như nước uống nước canh... Cốc là thóc, gạo, là cơm, tổng danh của các thức ăn. Trong Đông y, thường dùng hai chữ Thủy Cốc làm đại biểu cho các thức ăn uống.
(3) Thuật ngữ của Đông y. Trung châu là một bộ phận ở giữa, tức Tỳ, Vỵ. Trong Đông y, dùng hai chữ này đại biểu cho vị trí và công năng trọng yếu của Tỳ, Vỵ - Cuốn sách này nói những điểm trọng yếu của Tỳ, Vỵ nên mới đặt tên là Khôn hóa thái chân.