Trọng lượng | 800gr |
---|---|
Loại Sản Phẩm | Bìa cứng |
Kích Thước | 26x14cm |
Tác Giả | Tuệ Sỹ Cưu Ma La Thập |
Nhà Xuất Bản | Phương |
Huyền Thoại Duy Ma Cật
Hiện có tương đối khá nhiều bản dịch Việt, mà tất cả đều y trên bản Hán của La-thập, nhưng chúng tôi không biết chính xác số lượng bao nhiêu. Trước đây, chúng tôi chỉ mới đọc được bản dịch của Hòa thượng Huệ Hưng, và bản dịch khác của Ông Đoàn Trung Còn. Các bản dịch khác, rất tiếc là chưa có điều kiện để đọc. Điều đáng tiếc hơn hết là hiện chúng tôi không có bất cứ bản dịch tiếng Việt nào để tham khảo, mặc dù không phải đây là những bản tuyệt gốc. Lý do đơn giản vì sự di chuyển của người dịch rất khó khăn, và những quan hệ xã hội bị hạn chế.
Bản dịch Việt này chủ yếu y trên bản Hán của La- thập. Nhưng đồng thời cũng có sự đối chiếu với bản của Huyền Trang. Những dị biệt về dịch ngữ, cũng như về phong cách dịch, sẽ được ghi ở phần cước chú. Một số chi tiết cần thiết, chúng tôi cũng cần tham khảo đến bản dịch của Chi Khiêm khi nội dung giữa hai bản dịch nói trên hoặc không rõ ràng, hoặc mâu thuẫn nhau.
Mặt khác, rất nhiều đoạn cần phải tham khảo giải thích, hay bình chú của La-thập và Tăng Triệu, cũng như sớ giải của Khuy Cơ. Chính yếu, đây là hai hệ tư tưởng khác nhau; tiếp thu nội dung của Duy-ma-cật từ hai nhãn quang khác nhau. Những tham khảo này cũng được ghi lại trong phần cước chú.
Ở đây cũng cần phải thừa nhận rằng, có những nếp gấp của tư tưởng mà ngôn ngữ Hán, vốn rất dị ứng với các ý tưởng siêu hình, không thể chuyển tải trung thực tiếng Phạn, là loại hình ngôn ngữ giàu chất siêu hình và luận lý. Vì vậy, những khi cảm thấy cần thiết, dịch giả chua thêm một vài từ ngữ Sanskrit.
Điều may mắn cho người dịch là sau khi hoàn tất bản dịch căn cứ trên các bản Hán dịch và các chú giải Trung Hoa, trong lúc đang chuẩn bị cho ấn hành, bấy giờ Anh Đỗ Quốc Bảo từ Đức quốc mang về cho bản Sanskrit và bản dịch tiếng Tây Tạng, vừa mới được công bố tháng Ba 2004, do nhóm Nghiên cứu Văn học Phật giáo Sanskrit, Viện Đại học Taisho, Tokyo.
Bản Sanskrit này được phát hiện do Giáo sư Takahashi Hisao (Cao Kiểu Thượng Phu), tháng Sáu, ngày 30, 1999, trong khi ông cùng nhóm nghiên cứu, được sự cho phép của Chính phủ Trung Quốc, đang sưu tầm thư tịch trong Thư viện của Cung điện Potala, thủ phủ Lhasa, Tây Tạng. Có thể nói, đây là bản Phạn duy nhất của kinh Duy-ma-cật mà chúng ta có thể có hiện nay. Cuối tả bản có ghi đây là phẩm vật pháp thí của Bhiksu Śīladhvaja (Tỳ-kheo Giới Tràng). Niên đại sao tả được ghi là ngày 29 tháng Bhadra, khoảng tháng Tám, Chín dương lịch, dưới triều vua Gopala trị thế năm thứ 12, mà người chép là Candoka, thị tùng của Vua (Śrīmadgopāladevarājye samvat 12 bhadradine 29 likhityam upasthāyakacāndoka- syeti). Nhà Vua thuộc Vương triều Pāla, cai trị vùng Đông Ấn, bao gồm địa phương Bengal và Orissa, trong khoảng 750-1200, Tây lịch. Trong đó có ba Vua cùng tên hiệu Gopala nên khó đoán định niên đại dứt khoát. Gopala I : 750-775; Gopala II: 967-987; Gopala III: 1143-1158. Dù sao, giả thiết niên đại sao tả sớm nhất, vẫn là sau bản dịch của Huyền Trang cả trăm năm. Vì vậy, đây chưa phải là bản chuẩn để hiệu chính các bản dịch Hán.
Thực tế phải nói là chính khi đối chiếu với bản Sanskrit này chúng tôi mới phát hiện nhiều chỗ mình đã hiểu nhầm từ hai bản dịch Hán. Bởi vì bản dịch của La-thập phần lớn theo nguyên tắc ý dịch, cho nên có nhiều đoạn quá cô đọng, và nhiều đoạn gần như tóm tắt nội dung từ bản Phạn chứ không phải dịch. Đây là điều thường dẫn đến giải thích sai lầm của nhiều nhà nghiên cứu chỉ dựa trên các bản dịch của La-thập.
Mặt khác, bản dịch của Huyền Trang theo nguyên tắc trực dịch, do đó nhiều câu văn Hán chịu ảnh hưởng cấu trúc ngữ pháp Phạn, mà nếu người không có kiến thức cơ bản về Phạn ngữ sẽ phân tích nhầm lẫn về mối quan hệ giữa các từ trong một mệnh đề, và mối quan hệ nhân quả giữa các mệnh đề phụ và mệnh đề chính. Chính cấu trúc phức tạp ngữ pháp này của Phạn ngữ mà hai vị đại dịch giả La-thập và Huyền Trang đã không đồng ý nhau nhiều điểm, đôi khi ý nghĩa mâu thuẫn nhau. Khuy Cơ đã phát hiện ra nhiều điểm dị biệt này và cố ý hội thông. Đôi khi ông không ngần ngại cho rằng La-thập có thể dịch sai. Ngay trong phần chú giải, nhiều đoạn La-thập cũng cho biết ngài đã dịch thoát như thế nào, khiến bản văn Hán khác biệt với nguyên bản Phạn như thế nào.