Sách “Vương Hồng Sển – Chuyện cũ ở Sốc Trăng” (tập 2) là tập di cảo của tác giả được NXB.Trẻ ấn hành vào quý I năm 2022.
Tác giả Vương Hồng Sển được biết tới như một nhà văn, nhà khảo cứu, người chơi cổ ngoạn trứ danh của vùng đất Nam Bộ. Ông sinh năm 1902, mất năm 1996, quê quán tại Sóc Trăng. Mang trong mình 3 dòng máu Kinh, Hoa, Khmer, ông có vốn kiến thức sâu rộng và đa dạng về văn hoá bản địa. Những tác phẩm của ông là nguồn tư liệu quý giá cho mảng khảo cứu về đất và người Nam Bộ, phản ánh chủ yếu trong thế kỷ XX.
Ở phần đầu tác phẩm, ông có thổ lộ về mục đích viết như sau: “Tôi bắt đầu viết tập “Ký sự tỉnh Sốc Trăng” nầy, rõ lại là tôi viết “ký sự của riêng tôi” hơn là của tỉnh quê hương nhau rún của tôi”; “tôi không viết văn, tôi chỉ thố lộ tâm tình uẩn-khúc, chư độc giả như thấy chán, xin xếp sách đừng coi tiếp, bằng như muốn biết thế nào là chơn tình buổi sôi động “Sốc Trăng thời Nhựt chiếm”, thì đây mấy trang vụng về “viết ngày nào vẫn ghi ngày ấy” và chư độc-giả sẽ bình tâm biết cho”.
Tác giả sử dụng một lối kể chuyện quen thuộc “nhẩn nha dây cà ra dây muống” nhưng có phần minh định hơn khi nhiều sự kiện, con người được ông kể lần hồi theo dòng thời gian lịch sử. Ví như chuyện ông ghi chép theo lối nhật trình, thông tin theo trình tự thời gian, có ghi chú đầy đủ ở mỗi đoạn giúp độc giả hình dung rõ hơn về bối cảnh lịch sử.
Đọc tác phẩm, có cảm giác như được đối thoại trực tiếp với ông khi những tâm sự, trải lòng, lối kể chuyện vụn vặt của ông tạo nên cảm giác rất đời thường, chân thực. Thông qua những câu chuyện về quê hương Sóc Trăng của ông trong giai đoạn biến động về lịch sử 1945-1947, ông đã phác hoạ một bức chân dung toàn cảnh về vùng đất lúc bấy giờ. Từ những sự thay đổi về tình hình chính trị kéo theo sự xáo trộn trong cuộc sống của người dân địa phương cho đến những chuyện xảy đến với cá nhân ông giữa bối cảnh ấy.
Ở cuối sách là phần phụ lục với nội dung chủ yếu xoay quanh những văn bản hành chính thời ông còn làm cho chính quyền, những lá thư từ thầy giáo cũ hay bút tích của ông bạn Võ Văn Đảnh. Tất cả được ông công bố như những tài liệu sưu tầm.
Nếu là một người yêu lối kể chuyện đặc trưng của Vương Hồng Sển hay đơn thuần là có hứng thú với văn hoá Nam Bộ xưa, tập di cảo “Chuyện cũ ở Sốc Trăng” (tập 2) sẽ là một “địa chỉ” tốt để bạn đọc tìm đến.