Năm | 2022 |
---|---|
Trọng lượng | 2000gr |
Loại Sản Phẩm | Bìa cứng, ép kim, có hộp |
Kích Thước | 21 x 27 cm |
Số Trang | 2000 |
Tác Giả | Trần Văn Chánh |
Nhà Xuất Bản | Hồng Đức |
Sách in đẹp thành một tập dày 2.000 trang trên giấy bible định lượng 36 gsm màu vàng nhạt, bìa cứng, khổ 21x27 cm, rất gọn nhẹ cho người sử dụng.
Ngoài 2000 bản phổ thông, còn có 105 bản đặc biệt đang được Thư viện Huệ Quang thực hiện.
Trích Lời giới thiệu:
"Với tên gọi ĐẠI TỰ ĐIỂN HÁN VIỆT – HÁN NGỮ CỔ VÀ HIỆN ĐẠI, tự điển này được biên soạn nhắm vào các giới từ học sinh cấp trung, đại học cho đến những người làm công việc nghiên cứu, giảng dạy, dịch thuật, và người tự học.
Tổng số mục chữ Hán thông dụng trong các sách cổ và hiện đại lên tới khoảng trên dưới 12.000 đơn vị tự, nhiều nhất so với các tự - từ điển Hán – Việt ở Việt Nam đã có từ trước tới nay, với không ít chữ Hán được giải thích từ 5-10 đến 20-30 nghĩa khác nhau, từ nghĩa rất cổ cho đến những nghĩa chung, nghĩa cận hiện đại, nghĩa mới (xuất hiện trong khoảng 5-10 năm gần đây), kể cả khá nhiều từ mới, phương ngôn, khẩu ngữ, ẩn ngữ /
hàng thoại (tiếng lóng). Mỗi mục chữ Hán đều cho nhiều thí dụ là những từ ghép, thành ngữ, tục ngữ, quán ngữ (cụm từ quen dùng) hoặc câu văn, có kèm phiên âm Hán Việt và dịch nghĩa.
Mỗi mục từ Hán đều in chữ to dễ đọc, thể hiện dưới dạng chữ phồn thể kèm theo giản thể, có ghi âm pinyin và chú âm phiên thiết. Ở mỗi thuật ngữ khoa học đều có chú thích thêm từ tiếng Anh, hoặc cả tiếng Anh lẫn tên khoa học cho các giống loài động-thực vật.
Cuối sách có 4 phụ lục: (1) Thuyết minh âm đọc Hán Việt trên cơ sở phiên thiết; (2) Bảng tra tên tiếng Anh và tên khoa học các giống loài động-thực vật; (3) Tiểu từ điển bằng hình (gồm 570 hình vẽ minh họa cho những từ ngữ đã có trong phần chính văn); (4) Bảng tra 360 tục tự thường dùng.
Tự điển này xếp các chữ đầu mục (tự đầu) theo trật tự A, B, C... âm Hán Việt, đại khái tương tự Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh, nhưng với BẢNG TRA CHỮ HÁN THEO BỘ THỦ đặt ở đầu sách, nó còn có thể dùng tra cứu học tập chữ Hán y như mô hình Hán Việt tự điển của Thiều Chửu, thích dụng cả cho người mới bắt đầu học chữ Hán lẫn người đã có được những trình độ cao hơn.
Nhờ một vài đặc điểm như vừa kể trên, cùng với lượng thông tin cao và chuẩn xác, tự điển này còn có được tính lưỡng dụng, có thể kiêm dùng để tra cứu chữ Hán như một loại “cận từ điển”, mà ngôn ngữ hiện đại gọi là “2 trong 1”.