Năm | 2020 |
---|---|
Trọng lượng | 500gr |
Loại Sản Phẩm | Bìa cứng |
Kích Thước | 24 x 16 cm |
Số Trang | 464 |
Tác Giả | Jacob Samuel Speyer |
Nhà Xuất Bản | Hồng Đức |
Các bạn học viên Phạn ngữ sau khi đã học qua hai quyển sách soạn tập và biên dịch của Đỗ Quốc Bảo — Giáo Trình Phạn Văn và Ngữ Pháp Phạn Ngữ —, và cũng đã được hướng dẫn làm các bài tập, về mặt cơ bản, hẳn đã có thể viết và đọc những đoạn Phạn văn đơn giản và chuẩn mực; trong đó cũng đã nắm vững quan hệ giữa các từ để cấu trúc thành những mệnh đề, những cú pháp, diễn tả một ý tưởng hay nhiều ý tưởng trong mối quan hệ nhân quả diễn ra trong thời gian, không gian, trong các điều kiện tâm lý, trong các trình độ tư duy, quán sát nội tâm và ngoại cảnh. Những hiện tượng này xuất hiện trong phạm vi hoạt động của các giác quan có thể được diễn tả bằng những cấu trúc cú pháp phổ thông. Thế nhưng, trong trường hợp nếu đó là những đối tương siêu nghiệm, cũng có khi được nói là những đối tượng của hiện lượng du-già, योगिप्रत्यक्षः, chẳng hạn như những vấn đề tranh luận giữa các luận sư Phật giáo cùng với các triết gia Ấn-độ, về các vấn đề về giới hạn của nhận thức, về thể tính của tồn tại, v.v., thì với trình độ đã học qua hai tác phẩm nói trên có thể chưa đủ để hiểu sâu vấn đề. Lấy thí dụ, khi đọc bản dịch Anh ngữ Nyāya-hindu của Dharmakīrti, dịch bởi Stcherbatsky, người đọc sẽ phải gặp nhiều bối rối, nếu đối chiếu bản dịch với nguyên bản Phạn, mặc dù nhiều đoạn văn rất khó hiểu về mặt ngữ pháp Stcherbatsky vừa dịch thoát ý cho độc giả tiếng Anh, đồng thời cố dịch sát theo cú pháp Phạn ngữ trong phần cước chú.
…
Có rất nhiều trường hợp, hầu như không có bất cứ tranh luận nào trong và ngoài Phật giáo mà lại bỏ qua các quy tắc ngữ pháp trong các luận chứng của mình, tán thành hay không tán thành tùy theo quan điểm, xu hướng tư duy. Cho nên, người học Sanskrit tất nhiên không thể học chỉ để mà học theo thời thượng, mà bỏ qua phần cú pháp như các vấn đề được giải thích trong tập Cú Pháp Phạn Ngữ này.
[Trích LỜI GIỚI THIỆU BẢN DỊCH SANSKRIT SYNTAX CỦA HOÀ THƯỢNG THÍCH TUỆ SỸ]
_____________
Quyển Cú Pháp Phạn Ngữ (CPPN) này nguyên là bản dịch Việt của quyển Sanskrit Syntax của Jacob Samuel Speyer (1849- 1913), một nhà cổ Ấn-độ học người Hà-lan. Được công bố vào năm 1886, Sanskrit Syntax không lâu sau đã trở thành một công cụ rất hữu ích cho người học Phạn ngữ tại châu Âu và vẫn còn được dùng như quyển cú pháp tiêu chuẩn cho Hoa văn Phạn ngữ (Classical Sanskrit) cho đến ngày nay. Sanskrit Syntax cùng với Altindische Syntax của Delbrück, vốn xử lí ngôn ngữ Veda, là hai quyển sách không thể thiếu cho những người học và nghiên cứu trong bộ môn Cổ Ấn-độ học. Như tôi biết thì vẫn chưa có quyển cú pháp nào được công bố sau này có thể thay thế hoàn toàn tác phẩm của Speyer ngoài những tiểu luận bổ sung chi tiết của nhiều tác giả.1 Tầm quan trọng của Sanskrit Syntax có thể được thấy qua quyển Studies in Sanskrit Syntax, một tập hợp của các chuyên luận được công bố nhằm kỉ niệm 100 năm (1886-1986) sự ra đời của Sanskrit Syntax của Speyer, và người chủ biên là Hans Heinrich Hock. Một năm sau khi được công bố, nhà Ấn-độ học nổi tiếng người Đức là Otto von Böhtlingk, tác giả của hai bộ từ điển Phạn-Đức nổi danh (được gọi ngắn là Petersburger Wörterbuch lớn và nhỏ), đã có một mục điểm sách nói về Sanskrit Syntax của Speyer, và cũng đã phê bình, đính chính và bổ sung nó. Phần bổ sung và đính chính của ông đã được đưa trọn vẹn vào phiên bản tiếng Việt này.
_____
(1) Một tác phẩm đáng được nhắc đến ở đây vì có tính chất bổ sung Cú Pháp Phạn Ngữ là Scholastic Sanskrit: A Manual for Students của Gary A. Tubbs và Emery R. Boose (2007), được biên soạn để giúp sinh viên bộ môn cổ Ấn-độ học đọc văn học chú giải (commentary literature) bản xứ. Quyển này thường dẫn dụng và đề cập đến Coulson, Whitney và Speyer. Cho những người bắt đầu đọc luận giải bản xứ thì không có quyển nào tốt hơn quyển này. Phần phụ lục Useful Reference Work (pp. 267-270) cũng giới thiệu một cách ngắn gọn những tác phẩm nền tảng có liên quan đến cú pháp và ngữ pháp Phạn ngữ nói chung cũng như văn học chú giải v.v. nói riêng.
[Trích, LỜI NÓI ĐẦU CỦA DỊCH GIẢ]
_____________
LỜI GIỚI THIỆU CỦA HENDRIK KERN
Để đáp ứng nguyện vọng của Tiến sĩ Speyer, tôi xin được tự do giới thiệu tác phẩm của ông cho sinh viên Phạn văn.
Ngữ pháp Ấn-độ mà chúng ta gần như có thể nói là ngữ pháp Pāṇini, trác việt như nó là trên nhiều phương diện so với bất cứ những gì cùng loại được trước tác ở những quốc gia văn minh cổ đại khác, lại có những khiếm khuyết hiển nhiên trong việc xử lí cú pháp. Vì tất cả các tập ngữ pháp được học giả châu Âu công bố, quy về khía cạnh sự thật ngôn ngữ, gần như hoàn toàn lệ thuộc một cách gián tiếp hoặc trực tiếp vào Pāṇini nên không gì ngạc nhiên là cú pháp không được xử lí xứng đáng trong chúng, mặc dù phải thừa nhận là bộ ngữ pháp của Giáo sư Whitney đã cho thấy một dấu hiệu tiến triển trên phương diện này.
Một số thành phần cú pháp Phạn ngữ đã được xử lí kĩ lưỡng qua bàn tay của các học giả quyền năng và trong những vị này, Delbrück giữ vị trí hàng đầu. Tất cả những người đã tri ân những học giả tiên phong, như chúng ta có thể tin được, sẽ hoan hỉ tiếp nhận công trình có tính chất toàn diện hơn này, cú pháp Phạn ngữ toàn phần đầu tiên, và mang ân công sức của Tiến sĩ Speyer. Cầu mong nó là tác phẩm tiên hành của một công trình tương tự, cũng phong phú và chu đáo như thế, là cú pháp Veda!
Leyden, 13 July 1886
H. Kern