Khi nghi ngờ là con đường dẫn tới tự do
Tự do vốn là thứ mà con người vẫn luôn tìm kiếm từ bao đời nay. Có nhiều định nghĩa về khái niệm tự do, nhưng theo bậc thầy tâm linh Osho, khi được sống đúng với con người mà bạn được sinh ra một cách tự nhiên nhất, không bị tác động bởi một người nào hay bị uốn nắn bởi một tôn giáo nào, bạn đang được tự do một cách toàn vẹn. Đường đến tự do sẽ đầy ắp những câu hỏi cũng như sự hồ nghi, và chỉ khi hiểu được bản thân là ai, tự mình khám phá ra được cách vận hành của thế giới này thì ta mới thật sự chạm đến tự do.
“Hiểu - Đường đến tự do” (The book of understanding) của Osho chính là một tác phẩm mang đến cho chúng ta những góc nhìn mới mẻ về chủ đề này. Trong cuốn sách, Osho khẳng định bước đầu tiên để hiểu là hãy bắt đầu biết nghi ngờ, hãy chất vấn và đặt câu hỏi về tất cả những điều mà chúng ta đã được dạy phải tin.
“Họ nói, hãy tin. Tôi nói, hãy khám phá. Họ nói, đừng nghi ngờ; tôi nói, hãy nghi ngờ đến cùng, đến khi bạn đi tới đó và biết và cảm nhận và trải nghiệm”, Osho chia sẻ.
Cả đời chúng ta được vô số người trao cho cái gọi là “sự thật”, buộc ta phải học cách tin chúng tuyệt đối, không hoài nghi, không thắc mắc. Chính vì vậy nên tâm trí ta mới chứa đầy những kiến thức, những niềm tin, định kiến, đánh giá... của người khác thay vì những gì do chính ta trải nghiệm và đúc kết.
Theo lời Osho, “Tâm trí của bạn không phải do tự nhiên tạo thành. [..] Tâm trí của bạn được tạo ra bởi xã hội nơi bạn đang sống - bởi tôn giáo, nhà thờ, ý thức hệ mà cha mẹ của bạn theo đuổi, bởi hệ thống giáo dục mà ở đó bạn được nuôi dạy, bởi đủ mọi thứ khác”. Và những điều này giống như những đám mây che kín bầu trời tâm trí của ta, khiến ta không còn thấy được sắc xanh trong trẻo vốn có của nó. Ta đánh mất sự hiểu biết đích thực của mình, do đó mà đánh mất luôn tự do.
Cũng theo Osho, để hiểu, chúng ta cần thôi bám víu vào các ý nghĩ, nội dung kinh sách, các lý thuyết vĩ đại, tín điều, học thuyết: “Hãy nới lỏng tay cầm, hãy buông chúng ra. Khi đó, bạn sẽ thấy sự trong trẻo tinh khôi của bầu trời, sự mênh mông vô tận của bầu trời. Đó là tự do. Đó là ý thức. Đó là sự hiểu biết đích thực”.
Không dừng lại ở đó, bậc thầy tâm linh này còn tái hiện phép ẩn dụ “lạc đà, sư tử và đứa trẻ” của triết gia người Đức Friedrich Nietzsche để mô tả ba giai đoạn chuyển hóa của linh hồn trong hành trình đi tìm tự do. Trong phép ẩn dụ này, “lạc đà là giai đoạn trước tâm trí, sư tử là tâm trí, đứa trẻ là giai đoạn hậu tâm trí, hoặc vô tâm trí. Lạc đà không biết đến cái tôi, sư tử là cái tôi, đứa trẻ đã từ bỏ cái tôi, hoặc không có cái tôi. Đứa trẻ chỉ đơn giản hiện hữu - không diễn tả được, không định nghĩa được, là một bí ẩn, là một điều kỳ diệu. Lạc đà có ký ức, sư tử có kiến thức, và đứa trẻ có sự thông thái”. Đa số mọi người chỉ dừng lại ở giai đoạn thấp nhất, giai đoạn “lạc đà”, nhưng Osho khẳng định “đứa trẻ” mới là giai đoạn chúng ta cần hướng tới nếu muốn hiểu và được tự do.
Cuối cùng, nhắc đến Osho thì không thể không nhắc đến thiền. Chúng ta không cần cố thiền để hiểu. Việc chúng ta cần làm là thiền để tâm trí và cơ thể được lắng đọng. Giống như dòng suối đục ngầu bởi bùn đất bên dưới bị khuấy động, bạn càng cố tác động vào dòng suối bao nhiêu thì nước càng bị vẩn đục bấy nhiêu. Do vậy, bạn cần chờ cho dòng nước tĩnh lại, bùn đất lắng xuống và khi đó, nước tự khắc sẽ trong. Khi cơ thể bước vào trạng thái thiền định, mọi thứ sẽ tự khắc sáng tỏ và bạn sẽ hiểu, sẽ khám phá ra chính mình và mọi thứ khác. Lúc đó, bạn sẽ có thể đón nhận mọi khía cạnh của trải nghiệm làm người - từ khúc hoan ca của Zorba người Hy Lạp cho đến sự tĩnh lặng và tỉnh thức của Đức Phật. Khi đó, chúng ta trở nên tự do trọn vẹn, sống đúng với những phẩm chất ưu việt của con người và có khả năng tháo gỡ những rào cản về mặt tôn giáo, chính trị cũng như văn hóa đang chia cắt xã hội.
Đó chỉ là một vài trong số rất nhiều điều thú vị mà Osho sẽ mang lại cho bạn đọc qua 5 chương sách “Hiểu – Đường đến tự do”. Hãy đọc để tự khám phá, tự tìm đến tự do của riêng mình.
Đa số chúng ta đều lớn lên trong một nền văn hóa theo đuổi sự trẻ trung và tìm cách trì hoãn tuổi già bằng mọi giá. Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi chúng ta sẽ thế nào nếu thản nhiên đón nhận quá trình lão hóa của mình thay vì tìm cách níu kéo tuổi trẻ? Osho, một trong những bậc thầy tâm linh vĩ đại nhất của thế kỷ 20, giúp chúng ta giải đáp vấn đề này qua cuốn sách “Trưởng thành - Chạm tới bầu trời nội tâm của bạn”.
Ai trong chúng ta rồi cũng sẽ già đi, nhưng không phải ai cũng sẽ trưởng thành. “Thông thường, bạn chỉ già đi, bạn không trưởng thành. Già đi là một chuyện, trưởng thành là chuyện hoàn toàn khác”, Osho lý giải. Lão hoá chính là sự già đi của cơ thể, và lúc này, “cả cuộc đời bạn chỉ có một cái chết chậm rãi, kéo dài”. Do vậy mà hầu như ai cũng tránh né quá trình này dù đó là điều bất khả. Trong khi đó, trưởng thành là sự phát triển của nội tâm mà khi đó, bạn sống với nhận thức và cảm xúc mãnh liệt trong mọi khoảnh khắc. Chính xác trưởng thành là gì, và làm thế nào để trưởng thành chính là nội dung cốt lõi mà cuốn sách “Trưởng thành” sẽ đem đến cho bạn đọc.
“Bất kỳ con vật nào cũng có thể già đi, nhưng trưởng thành là đặc quyền của con người”, theo lời Osho: “Hãy làm con người như bạn vốn là. Đừng bao giờ cố gắng trở thành ai khác, và như thế, bạn sẽ trưởng thành. Trưởng thành là đón nhận trách nhiệm của việc làm chính mình, bằng mọi giá. Chấp nhận mọi rủi ro để làm chính mình, đó chính là trưởng thành”. Có thể thấy trưởng thành không phải là quá trình hướng đến những mục tiêu bên ngoài, mà là hành trình tiến sâu vào bên trong bản thể, hay nói như tác giả là chạm tới bầu trời nội tâm của mình.
Bên cạnh đó, Osho còn hé mở cho chúng ta thấy những gì mà sự trưởng thành thực sự có thể mang lại cho nhân loại. Khi một người trưởng thành chứ không chỉ già đi, họ vừa có thể thỏa mãn khát vọng sâu kín của bản thân, vừa cải thiện mối quan hệ với mọi người xung quanh cũng như với thế giới bên ngoài - từ chuyện hôn nhân cho đến các mối quan hệ ruột thịt giữa cha mẹ và con cái, giữa cá nhân và xã hội... Osho cho rằng sự trưởng thành có liên hệ mật thiết với chất lượng của các mối quan hệ, chẳng hạn như trong khía cạnh tình yêu: “Khi hai người trưởng thành yêu nhau, một trong những nghịch lý vĩ đại nhất của cuộc sống sẽ xảy ra, một trong những hiện tượng đẹp đẽ nhất: họ ở bên nhau nhưng mỗi người vẫn luôn được làm chính mình. Họ bên nhau nhiều đến mức gần như hợp nhất với nhau, nhưng sự hợp nhất đó không phá hủy tính cá nhân của họ mà trên thực tế, nó càng củng cố tính cá nhân đó, họ trở nên có cá tính hơn. Hai người trưởng thành yêu nhau sẽ giúp nhau tự do hơn”.
Đặc biệt, một trong những điểm nhấn của “Trưởng thành” là giới thiệu cho độc giả biết về các chu kỳ bảy năm của cuộc đời. Đây là mười giai đoạn phát triển chính của một đời người, mỗi giai đoạn kéo dài bảy năm, tính từ khi còn là một đứa trẻ chỉ biết đến bản thân mình, cho tới khi trở thành một người có tuổi, khôn ngoan và giàu lòng trắc ẩn. Con người vốn dĩ nên tận hưởng các chu kỳ này đúng nghĩa một cách trọn vẹn, thay vì sợ hãi tuổi già cùng với cái chết, bởi “Nếu bạn già đi, bạn là những con người có thể chết. Còn nếu trưởng thành, bạn trở thành bất tử”. Hơn nữa, Osho cũng phân tích rằng “Chết không phải là hết. Trong sự hiện hữu, không có khởi đầu cũng không có kết thúc. Hãy nhìn quanh mà xem… buổi tối không phải là kết thúc, buổi sáng cũng không phải là khởi đầu. Buổi sáng chuyển dần sang buổi tối và buổi tối chuyển dần sang buổi sáng. Mọi thứ chỉ đơn giản là đang chuyển sang những dạng thức khác”.
“Trưởng thành” chứa đựng sự thông thái nhưng không kém phần dí dỏm, xứng đáng là cuốn sách giá trị dành cho những ai sắp hoặc đang trong độ tuổi trung niên, độ tuổi mà người ta bắt đầu cảm nhận mình già đi và sợ hãi chặng đường phía trước.
Một lần nữa, Osho đã mang đến cho bạn đọc những lời khuyên và nhận định sâu sắc về hành trình làm người, mà cụ thể là về cách trưởng thành để chạm tới sự thông thái, vượt lên trên vấn đề chứ không bế tắc trong quá trình giải quyết vấn đề, cũng như làm thế nào để biến khủng hoảng tuổi trung niên thành một cú bùng nổ đầy sáng tạo của đời người.
Hãy trưởng thành, chứ đừng chỉ già đi. Bằng lòng trắc ẩn và sự thấu hiểu, Osho đã trao cho bạn tất cả những gì cần làm để có thể bung nở đóa hoa của riêng mình.
Từ bao đời nay, chúng ta vẫn thường được dạy hãy đè nén cơn giận, nỗi buồn và vô số những cảm xúc bị gắn mác tiêu cực khác, bởi chúng có thể làm tổn thương những người xung quanh ta. Thậm chí, ta còn tin rằng một trong những tố chất tạo nên sự thành công của một người chính là khả năng kiểm soát cảm xúc của họ. Nhưng có bao giờ bạn nghĩ chính mình sẽ bị tổn thương khi cứ chất chứa mọi cảm xúc trong lòng hay không? Bạn có để ý và nhận ra mỗi khi mình đè nén những cơn thịnh nộ, sự lo lắng, bất an… thì lại dễ bị đau dạ dày hay tay chân run rẩy không? Hay bạn có từng thắc mắc tại sao mình không thể yêu thương ai đó trọn vẹn dù trái tim vẫn luôn hướng về họ?
Cuốn sách “Cảm xúc” (tựa gốc “Emotional Wellness”) được viết bởi bậc thầy tâm linh Osho sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ bản chất của cảm xúc, thấy rõ tác hại của việc kìm nén cảm xúc, khám phá cơ chế mà các loại cảm xúc tiêu cực đang thao túng chúng ta, từ đó “chuyển hóa nỗi sợ hãi, giận dữ và ghen tuông thành năng lượng sáng tạo”.
Trong cuốn sách, Osho khẳng định cảm xúc của chúng ta không bất biến, thay vào đó nó liên tục thay đổi. “Đó là lý do ‘cảm xúc’ được gọi là ‘emotion’ trong ngôn ngữ Anh - ‘emotion’ bắt nguồn từ ‘motion’, nghĩa là sự chuyển động. Chúng chuyển động; do đó chúng là “cảm xúc”, Osho diễn giải - Khoảnh khắc này bạn buồn, khoảnh khắc kia bạn vui; bây giờ bạn tức giận, lát sau bạn đầy lòng cảm thông. Lúc này bạn cảm thấy yêu thương, lúc khác bạn lại chìm trong thù hận; buổi sáng thật vui tươi, buổi tối thật ảm đạm. Và cứ như vậy. Đây không thể nào là bản chất của bạn, bởi đằng sau tất cả những thay đổi này phải có một thứ gì đó giống như sợi chỉ đỏ để kết nối mọi mảnh ghép lại với nhau”. Một khi nắm bắt được “sợi chỉ đỏ” đó, bạn sẽ thấu tỏ chính mình và cả những người xung quanh.
Osho tin rằng chỉ khi nào ta chấp nhận toàn bộ cảm xúc của bản thân một cách trọn vẹn, khi đó cuộc sống của ta mới thực sự lành mạnh, bởi “một người không biết tức giận sẽ không biết yêu thương”. Nếu ngay cả bạn cũng chối bỏ những cảm xúc của mình thì ai sẽ đón nhận chúng? Không ai cả! Chúng sẽ tiếp tục bị đẩy vào góc khuất và con người bạn lại kém trọn vẹn đi một chút. Hãy phá vỡ vòng lẩn quẩn tai hại đó bằng cách chấp nhận cảm xúc của bản thân, như Osho đã nói: “Việc cần làm không phải là kìm nén hay hủy diệt, mà là bạn phải học cách hòa hợp các nguồn năng lượng của mình”.
Không chỉ vậy, bậc thầy về tâm linh này còn chỉ ra cảm xúc đóng vai trò then chốt trong sự bền vững của mọi mối quan hệ. Đàn ông có khuynh hướng kìm nén cảm xúc, trong khi phụ nữ lại thường trở thành người bị chính cảm xúc của mình thao túng. Mối quan hệ giữa đàn ông và phụ nữ sẽ trở nên tốt đẹp hơn nếu họ hiểu cảm xúc không phải là thứ cần bị đè nén, đồng thời cũng không nên là thứ có thể thao túng mình. Từ đó, cả hai giới đều có thể tự chủ và cân bằng cảm xúc. Trong cuốn sách, Osho đã dành hẳn một phần riêng để giải mã sự ghen tuông và cách xử lý những cảm xúc đi kèm nhằm giúp đôi lứa có thể bên nhau dài lâu.
Vẫn với phong cách hỏi đáp cùng giọng văn mộc mạc quen thuộc, những bài giảng của Osho không những giúp bạn đọc thấu hiểu cơ chế hoạt động và cách chuyển hóa những cảm xúc tiêu cực, mà còn giới thiệu cho độc giả những công cụ có thể được sử dụng trong quá trình tìm hiểu và học cách chấp nhận cảm xúc. Một trong những công cụ tiêu biểu đó là thiền định. Các bài thiền để chuyển hóa nỗi sợ, cơn giận, nỗi buồn, trầm cảm và sự ghen tuông thành năng lượng tích cực đã được ông hướng dẫn vô cùng chi tiết qua các bài thực hành đơn giản như cười, chạm đất, nhảy múa, ngủ như chết, giải phóng ký ức bị áp đặt…
“Cảm xúc” là một cuốn sách thú vị dành cho những tâm trí cởi mở, những người có ý thức cao về giá trị cốt lõi của bản thân và tìm kiếm sự khai sáng. Đây hẳn không phải là một cuốn sách dễ đọc, bởi sự thẳng thắn của Osho có thể làm phiền lòng một số độc giả. Nhưng điều đó hoàn toàn không làm giảm đi giá trị của những bài giảng ông đem lại, mà đó mới chính là thứ góp phần tạo nên phong cách độc đáo của Osho - một bậc thầy tâm linh vĩ đại.