Trọng lượng | 500gr |
---|---|
Loại Sản Phẩm | Bìa mềm |
Kích Thước | 24 x 16 cm |
GIÁO TRÌNH PHẠN VĂN
Quyển sách Giáo khoa căn bản về Ngữ pháp Sanskrit theo tiêu chuẩn Đại học của CHLB Đức, do Thomas Lehmann và Đỗ Quốc Bảo, Giáo sư, Tiến sĩ chuyên ngành Cổ Ấn-độ học Đại học Heidelberg biên soạn. Hương Tích ấn hành tháng 5/ 2020. Tác giả giữ bản quyền.
___
“… Khoảng năm 2000, tôi gặp Đỗ Quốc Bảo tại Già-lam. Biết anh đang theo học chuyên môn Sanskrit với các Giáo sư Sanskrit hàng đầu hiện tại ở Đức, tôi đề nghị anh mở lớp Sanskrit ngắn hạn, đồng thời soạn một quyển Giáo khoa Phạn ngữ thích hợp cho trình độ tăng ni sinh Việt nam. Khoá học chỉ diễn ra một thời gian cực ngắn với số học viên khá ít. Không chỉ riêng anh thất vọng, mà tôi cũng thất vọng không kém.
Sau này, khi giảng Thành duy thức và Câu-xá cho một số thầy cô, tôi đã cố gắng nêu những điểm khó trong bản Hán mà nếu không biết đến ngữ pháp Sanskrit thì không thể hiểu được, với mục đích khơi dậy hứng thú học Phạn ngữ. Cụ thể như trong bài tựa Thành duy thức, Khuy Cơ sớ giải rất rõ, câu tụng “đảnh lễ Duy thức tánh” thuộc biến cách bảy (sở y/ư cách, Thuật ký: 聲境第七攝; Hán thường gọi là sở y cách 所依第七囀聲), và câu tụng “Mãn Phần thành tịnh giả” thuộc biến cách bốn (sở dữ cách, 第四囀攝,此梵本音。一切所敬皆第四囀故, Hán gọi là vị cách 第四為聲). Nếu không rõ ý nghĩa các biến cách danh từ này thì sẽ không biết “ai đảnh lễ ai ở đâu”...
Cho đến khi giảng Câu-xá, do có nguyên bản Sanskrit, và các bản dịch đối chiếu từ Hán, Tạng, Nhật, Pháp và Anh, tuy vậy, dễ thấy các điểm ngữ pháp trong đó vô cùng phức tạp mà các bản Hán không thể chuyển dịch. Qua sớ giải của Yaśomitra, nhiều quy tắc từ Pāṇini được dẫn và giải, cho thấy các bản Hán nhiều khi đã phải lược qua vì không có từ hoặc khái niệm tương đương… Sanskrit thuộc loại ngôn ngữ đa âm tiết; mỗi từ được hợp thành bởi nhiều yếu tố. Các từ chuyển tải ý nghĩa của mỗi yếu tố, mặc dù được chỉ định như là từ chuyên biệt ngữ pháp, thảy đều mang nội hàm triết học, phản ảnh tư duy Ấn-độ cổ đại. Lấy ví dụ, trong các từ được gọi là động từ, nó bao gồm phần chính mà ta gọi là ngữ căn hay gốc động từ, vốn dịch Việt của từ Anh verbal root, nguyên Phạn ngữ của nó là dhātu, Hán dịch là tự giới. Cùng với tiền tố prefix của nó, và hậu tố biến hoá của nó, termination, nguyên Phạn ngữ là pratyaya, Hán dịch là tự duyên. Từ dhātu mặc dù được dùng trong phạm trù ngữ pháp ở đây vẫn phản ánh tư duy triết học như trong các luận thư Abhidharma. Nội hàm của từ dhātu mang tính triết học trong bài tụng dưới đây dẫn từ Luận Nhiếp Đại thừa (Mahā-yānasaṃgrahaśāstra) vẫn áp dụng cho từ dhātu như là động từ căn trong phạm trù ngữ pháp:
anādikāliko dhātuḥ sarvadharmasamāśrayaḥ |
tasmin sati gatiḥ sarvā nirvāṇādhigamo ’pi ca ||
Hiểu nội hàm của từ dhātu trong cả hai ngữ cảnh khác nhau này cho thấy mối quan hệ mật thiết trong tư duy triết học và tư duy ngôn ngữ học. Ý nghĩa này càng được thấy rõ tầm quan trọng khi trong nhiều Kinh đức Phật truy nguyên gốc của một từ thông dụng từ dhātu của nó…
Một ít thí dụ dẫn trên chỉ muốn cho thấy các từ chuyên biệt của ngữ pháp đều phản ánh những tư duy triết học. Đây là điểm khó cho biên soạn Giáo trình cũng như Ngữ pháp Sanskrit bằng ngôn ngữ phương vực của mình. Các nhà Phạn học phương Tây khi biên soạn các sách ngữ pháp Sanskrit đã không thể tìm thấy những từ chuyên biệt ngữ pháp Sanskrit tương đương trong kho từ vựng ngữ pháp, mà chỉ mượn một số từ trong từ vựng ngữ pháp La-tinh xem là tương đương, chỉ về mặt hình thức và kỹ thuật. Dù vậy, số từ vựng được xem là tương đương này vẫn không đủ, so với kho từ vựng ngữ pháp Sanskrit phong phú.
Về phần tiếng Việt, hầu hết từ vựng ngữ pháp trong hiện tại phần lớn chỉ tìm thấy những từ thông dụng dịch từ các ngôn ngữ Anh hay Pháp, số lượng thật nghèo nàn. Trong nhiều thảo luận với Đỗ Quốc Bảo về vấn đề này, tôi biết anh đã dụng công quá nhiều để có thể giúp người học có một kiến thức cơ bản từ vựng ngữ học Sanskrit để sau đó khả dĩ đi sâu vào các văn bản Phật giáo, từ các Kinh Phật thuyết cho đến các luận thư Abhidharma. Làm được điều này, đòi hỏi soạn giả phải thông thạo tiếng Việt có vốn liếng từ Hán căn bản, và nhất là nắm vững ý nghĩa các từ chuyên biệt ngữ pháp trên cơ sở tư duy triết học. Cái gọi là “tiếng Việt thuần tuý”, từ chối tất cả có gốc Hán, hầu như chỉ là sáo rỗng.
Người Nhật cũng học Hán, chịu ảnh hưởng văn minh Hán tộc, nhưng qua lịch sử phát triển, đã thâu thái thành bản sắc cá biệt của mình. Khi tiếp xúc với văn minh phương Tây, họ thấy nhiều từ trong các lãnh vực khoa học, kinh tế, tôn giáo trong các ngôn ngữ phương Tây khó tìm thấy tương đương trong kho từ vựng Hán đã được Nhật hoá. Họ đã tạo thêm những từ mới vay mượn các từ Hán cổ để dịch các từ như philosophy, hay economy/ economics..., thành các từ Nhật bằng Hán tự gọi là kanji như triết học, kinh tế... Người Hoa hiện tại vẫn phải dùng các từ này, vốn không là những từ sáng tạo của Hán tộc, mà của người Nhật. Vậy thì, chúng ta dùng các từ Hán cổ để dịch những từ Sanskrit mà trong kho ngôn ngữ Việt hoặc thuần giống hoặc Việt hoá từ Hán trong chừng mực có thể gần với nội hàm của từ Sanskrit được hiểu trong phạm trù ngữ pháp mà cũng không làm mất đi tư duy triết học trong đó. Đây là điều mà tôi cảm nhận Đỗ Quốc Bảo đang cố gắng. Nhiều từ anh dùng trong các tập Giáo trình và Ngữ pháp Sanskrit có thể rất lạ tai với các học viên hay độc giả vốn chỉ quen với các từ ngữ pháp trong tiếng Anh hoặc Pháp.
Trong thực tế, một từ mới phát sinh trong các quan hệ xã hội, nếu nó phản ánh được trạng thái tồn tại cũng như mối quan hệ xã hội giữa người và người, nó sẽ sống và phát triển lâu dài. Nếu nó không phản ánh được như vậy, chỉ trong một thời sẽ bị quên lãng, hoặc biến mất. Cho nên, nhiều từ ngữ pháp trong tập ngữ pháp này cũng rất lạ tai đối với tôi, nhưng tôi vẫn sẵn sàng chấp nhận. Cho đến khi nếu tôi cảm thấy, hay tìm thấy từ nào khác hơn có thể thay thế, tôi sẽ đề nghị thay thế.
Vậy tôi mong tập sách này sẽ giúp những vị có nhiều cảm hứng trong việc học Sanskrit không chỉ dừng lại ở cảm hứng đối với ngôn ngữ kỳ diệu Sanskrit, mà từ căn bản này đi sâu vào tư duy triết học trong Phật học, và có thể rộng hơn nữa, khuynh hướng tư duy triết học Ấn cổ đại.”