1.Đi Vào Cõi Tâm
Trong những bài giảng sau đây chúng ta sẽ đề cập đến Bardo Chikai (giai đoạn hấp hối hay tiến trình chết) và Bardo Sipai (giai đoạn thần thức đi đầu thai hay tìm tái sinh sau khi chết).
...
Thế nhưng giáo lý về Bardo Chikai thì từ trước đến nay chưa từng được ấn hành dưới hình thức bản dịch. Nay khi đã có được bản kinh quý báu này, các bạn sẽ nhận được ơn ích của giáo lý Kim Cương thừa trong việc giúp ta đạt giải thoát.
Nếu lúc ta chết, chư Phật đột nhiên xuất hiện trước mắt thì ta được giác ngộ một cách tự nhiên và nhanh chóng. Điểm then chốt của nền giáo lý này là: Nhận ra tất cả những gì mình gặp đều là chìa khoá để giác ngộ. Nếu suốt đời ta đã tích luỹ nhiều ác nghiệp và không tin gì ở chuyện giác ngộ thì lúc chết, ảnh hưởng ác nghiệp sẽ đè nặng trên ta, khiến ta không thể nhận ra được chư Bồ tát, và thế là ta không có cơ may nào để đạt giải thoát. Một sai lầm nghiêm trọng là cứ tưởng lúc chết ta sẽ nhận ra ngay chư Bồ tát trong cõi trung ấm chứ không cần gì khi đang sống phải nỗ lực tu hành. Điều tối quan trọng là tích luỹ công đức, thực hành tâm đại bi và nuôi dưỡng lòng sùng kính chư Phật. Thêm nữa, lại còn phải thiện xảo về thiền định và quán tưởng hình ảnh chư Bồ tát càng rõ càng tốt. Khi ấy ta mới có thể giác ngộ ngay trong trạng thái trung ấm nhờ lúc sống ta đã quen với những khuynh hướng hiền thiện.
Bây giờ là lúc bạn cần phải đọc, học và thực hành phương pháp đạt giác ngộ vì lợi ích cho tất cả hữu tình. Những ai trong các bạn đã từng được nhập môn về thần chú Một trăm vị thần chõi Trung ấm và nhận được sự khai thị giáo lý này thì nên thiền quán Dorje Sempa (Kim Cương tát đoả) để có thể giữ giới trọn vẹn. Thần chú Bách âm là tinh tuý của Một trăm vị thần trong cõi Trung ấm.
Mong sao nhờ giáo lý này, tất cả hữu tình ược giải thoát khỏi biển khổ sinh tử.
(Trích Dẫn nhập)
2. Chân Tâm Bất Hoại
Thầy ơi! Khi mới vào tu, chúng con chỉ thấy Thầy là một con người bình thường; khi ra hành đạo, chúng con mới thấy Thầy là một đại Bồ-tát. Có lẽ đến khi thành Phật, chúng con mới biết được tường tận Thầy là ai. Trong pháp Đạo sư Du già, chư Tổ Mật Tông có dạy: “Như mặt trời mặt trăng phản chiếu trên hồ nước lặng trong, ân phước chư Phật cũng xuất hiện trong tâm kẻ có lòng tin tuyệt đối vào bậc Thầy … Ánh mặt trời không soi chiếu riêng ai, nhưng chỉ nơi nào có kính hội tụ mới đốt được cỏ khô … Vào thời mạt Pháp, chư Phật hóa hiện dưới hình dạng bậc Thầy tùy theo căn cơ của đệ tử …”
Thế cho nên, đệ tử phàm phu chỉ thấy Thầy mình là phàm phu, đệ tử Thanh văn thấy Thầy mình là La- hán, đệ tử tu hạnh Bồ-tát phải thấy Thầy mình như Phật. Chúng con nguyện tu hạnh Bồ-đề, mong đời đời kiếp kiếp giữ mãi đức tin trong sáng này, để lại được gặp minh sư:
"Đã một ngày gần, nguyện xin gần mãi.
Theo chân Thầy muôn vạn kiếp, Thầy ơi"