Trọng lượng | 500gr |
---|---|
Loại Sản Phẩm | Bìa cứng |
Kích Thước | 17 x 24 cm |
Số Trang | 438 |
Tác Giả | Lương Văn Lựu |
Biên Hòa Sử Lược
Tỉnh Biên Hòa là một trong những tỉnh đã được khai lập từ xưa, dự phần lớn trong Quốc sử, trải qua những cơn hưng vong, có một lịch sử kiêu hùng, đã khai sinh ra nhiều tỉnh mới.
Vậy nghiên cứu và viết lại lược sử Biên Hòa, thiển nghĩ không phải là một công việc làm vô ích.
Vì lẽ đó, từ trước, dưới thời Pháp thuộc, cũng đã có vài ba nhà biên khảo địa chí tỉnh Biên Hòa, nhưng toàn là người Pháp, phần nhiều đều viết theo tài liệu sách vở mà không đến nghiên cứu tường tận tại chỗ, nơi mỗi địa phương, vì thế nên sử liệu cũng kém phần chính xác, tệ hại nhất là bị sắp xếp theo một chiều, chiều của Thực dân thống trị.
Mới đây, trong tập II "Hành chánh khảo luận" năm 1958, ông Hồ Văn Sĩ, tỉnh trưởng, cũng đã giới thiệu tỉnh Biên Hòa bằng một bài khảo cứu có giá trị, nhưng tiếc thay, lại phải thu hẹp trong phạm vi một bài báo, nên không thể bao quát về mọi mặt.
Vậy, nay tôi tiếp tục con đường của những người đi trước, đầy khó khăn, trở ngại, mà mình tự xét thấy còn thô thiển, bỡ ngỡ, nhưng cũng cứ đi, đi với thiện chí học hỏi của một đứa con tỉnh nhà, nặng lòng yêu quê hương Biên Hòa, quê hương tôi có con sông Đồng Nai nước ngọt, có núi Châu Thới oai nghi, có không khí trong lành, có người hiền, cây cảnh đẹp.
Tôi không có cao vọng theo con đường của một Ngô Sĩ Liên, một Phan Huy Chú, một Trần Trọng Kim, một Phạm Văn Sơn, nhưng chỉ vì nặng tình bản sở, mà làm kẻ lữ hành nhỏ bé, đi từ bước một, trên đường sử học, nhặt từng mảnh sử liệu vụn vặt ở mỗi nơi, ghi chép từng mẩu chuyện truyền khẩu ở mỗi vùng, dẫm chân lên khắp tỉnh nhà, từ thành thị đến thôn quê, thăm hàng ngàn gia đình, mót cọng lúa vàng trên đồng, xem hột thạch sa dưới nước hoặc đào bới dưới đáy giếng sâu, đọc tấm bia lăng mộ rêu phong, viếng Đình chùa, Miếu môn cổ kính, bẻ cành cổ thụ trong rừng thiêng, nhặt hòn đá cuội trên núi thẳm, đến xem một ít di tích xưa còn lưu tại Viện bảo tàng, trong mười năm trời công phu sưu tập, để hôm nay hoàn thành được quyển sử lược này, mà tôi coi như là kết tinh đời văn học của tôi.
Trong mười năm thu thập tài liệu, tôi đã đọc nhiều bộ Việt sử, tham khảo sách báo Đông Tây Kim Cổ, quan sát phong tục tập quán tự ngày xưa, từng vùng, theo dõi sự tiến triển của ngành, để rồi sắp xếp lại thành từng chương mục, tiểu đề, chi tiết, theo một thể tài mới, gọn gàng dễ hiểu, với phương pháp của những sử gia tân tiến, mặc dầu đây chỉ là việc biên soạn quyển sử lược tỉnh nhà.
Về phong tục tập quán, về nguồn gốc, nếp sống hàng ngày của nhân dân, về quan hôn tang tế, tôi đã tham cứu các sách gia lễ xưa, và đồng thời cũng đi từng nơi, khảo sát những đặc điểm, rồi dung hòa để phác họa lại những nét đại cương tổng quát.
Tùy địa phương, tục lệ mỗi nơi đều mỗi đổi, hoặc được bãi bỏ hẳn, hoặc biến thể ra một hình thức khác; vì thế, người địa phương sẽ không tìm được nơi đây sự riêng biệt của vùng mình.
...
Chỉ vì tha thiết với Đất mến yêu mà một đứa con biên soạn quyển sử lược của tỉnh nhà; Với thiện chí ấy, tôi tin rằng, dầu sao, cũng hưởng được sự khoan hồng dễ dãi của quý vị độc giả sẽ chỉ giáo cho tôi những chỗ sai lầm, hay bổ sung những điều thiếu sót.
..."