nhasachanhthanh.vn
HOTLINE

Bể Trăng Côi: Thêm một tác phẩm về dịch bệnh ra đời

"Bể trăng côi" là tác phẩm mới nhất của nhà văn Huỳnh Trọng Khang, vừa được Nhà xuất bản Trẻ phát hành. Tác phẩm được viết trong đại dịch, về dịch bệnh.

Khi nhiều tác phẩm thơ văn được ra đời ngay trong thời gian dịch bệnh còn căng thẳng, thì đó cũng là lúc nhà văn Huỳnh Trọng Khang ngồi với bản thảo Bể trăng côi. Anh bày tỏ, chính những trang viết này đã giúp anh vượt qua thời điểm lo lắng, khi mọi người đều phải "ở yên trong nhà". Không giống như nhiều tác phẩm ghi chép sự kiện, cảm xúc từ những ngày dịch bệnh, Bể trăng côi là truyện dài, với bối cảnh và tinh thần đậm dấu ấn Phật giáo. Hai thầy trò Huyền Trang từ núi Sa Mạo xuống núi tầm sư học đạo, trên hành trình đó, họ đã đến một thành phố đang bị dịch bệnh hoành hành và mắc kẹt tại đây.

Song song đó là chuyến đi được hư cấu hóa về thầy Trần Huyền Trang ở Đại Đường xa xưa. Họ như vầng trăng côi lang thang trên trời đất, bất tử với thời gian. Tác phẩm với các nhân vật xưa - nay, xấu - đẹp đang trầm luân giữa các biến cố của đời sống, nhất là trong đại dịch. Vầng trăng lẻ loi trên bầu trời soi sáng nhân gian trở thành biểu tượng của tác phẩm. Vầng trăng ấy như những cuộc đời đơn lẻ trên thế gian, dẫu trong đêm đen của cuộc đời vẫn phải tự làm ngọn đèn cho chính mình. Tinh thần Phật giáo thấm đẫm trong tác phẩm lần này của nhà văn Huỳnh Trọng Khang.

"Bể là bể đời, bể khổ và trong bể ấy, mỗi chúng ta chỉ là trăng đơn lẻ. Là hình hay là bóng, tròn hay khuyết, âm thầm sáng hay rực rỡ sáng… Tất cả phụ thuộc vào mỗi người. Đây là tác phẩm tôi không định viết ra, nằm ngoài kế hoạch, nếu không có những tháng dài vì dịch bệnh mà chỉ quanh quẩn trong nhà, có lẽ tôi sẽ không bao giờ viết được" - tác giả chia sẻ.

Bể Trăng Côi - Huỳnh Trọng Khang

Viết về COVID-19 nhưng không phải kể lại những gì đã xảy ra, mà thông qua đó, tác giả muốn nói về những kiếp nạn mà con người phải trải qua, đối diện, và vượt qua. Trong bĩ cực, mọi trái tim đều dũng cảm, từ bi, làm được những điều phi thường.

... “Những  người  chết  và  những  người sống. Chú nhớ cái đêm bầy mèo được sinh ra. Nhỏ, ướt át như con chuột, cứ bám chặt vào vú mẹ. Từ bầu vú ấy, mèo mẹ sẽ truyền cho bầy con ký ức của sự sống, một sự sống lâu đời, bất tận, cứ không ngừng tuôn chảy. Trên cao, trăng mười bốn vẫn chưa kịp tròn đầy. Ánh sáng tỏa ra bàng bạc, phủ xuống núi rừng. Chú tự hỏi, mặt trăng đêm nay có khác gì mặt trăng hơn ngàn  năm  trước... Mặt trăng nào đã sinh ra mặt trăng này và vỡ vụn, để lại một vầng trăng côi cút đứng bên trời. Côi cút giống chú, giống Cẩm, giống hàng ngàn đứa trẻ sau đại dịch. Hàng bao người cha, người mẹ đã chết vì dịch bệnh, có phải họ cũng đang hóa thân thành những ngôi sao trên cao kia, cạnh mặt trăng côi cút. Đêm này qua đêm khác, mở mắt trông vào giấc mơ đứa cô nhi của họ” - trích Bể trăng côi (Huỳnh Trọng Khang, Nhà xuất bản Trẻ vừa phát hành)