BẮT ĐẦU BẰNG ĐỂ LẠI: TẠP BÚT NỒNG HẬU VỀ ĐỜI, VỀ NGƯỜI
Nhà báo Dương Thành Truyền vừa ra mắt tập tạp bút mới nhất Bắt đầu bằng để lại (NXB Trẻ ấn hành tháng 2-2023) với nhiều dấu ấn về những người ông đã gặp, những nơi ông đã đi qua và những quyển sách ông đã đọc rồi tâm huyết bình phẩm.
“Một cuốn tạp văn về những lát cắt đời người. Ta đọc, ngẫm nghĩ, xót xa hay bật cười, rồi khi gấp sách lại, ta chợt muốn đặt câu hỏi về những lựa chọn của đời mình” - nhà thơ Lê Minh Quốc giới thiệu về Bắt đầu bằng để lại như thế.
* Cung bậc hỉ nộ ái ố
Ông Lê Minh Quốc đánh giá cao và tâm đắc với tác giả Dương Thành Truyền trong việc viết về “những nhân vật như “biểu tượng của bình an”. Là bài học của một con người lúc sa cơ thất thế vẫn gan lì đối diện với số phận bằng một sức mạnh nội tâm phi thường mà người miền Nam gọi là “dân chơi thứ thiệt”.
“Một tập tạp bút nhiều cung bậc hỉ nộ ái ố… đã tạo ra hợp xướng về nhân tình thế thái…” - nhà thơ LÊ MINH QUỐC nhận xét về tạp bút Bắt đầu bằng để lại. |
Là một nhà báo có sở trường viết tạp bút bằng sự quan sát tinh tế và chiêm nghiệm sâu kỹ, ông Dương Thành Truyền từng có những tạp bút, tạp văn đã ấn hành như: Ký ức về nước mắt và tiếng cười, Chuyện gái trai, Trái tim có hình hộ khẩu. Với tập tạp bút mới nhất, tác giả khéo léo chia những bài viết của mình ra thành những cụm chữ nghĩa cô đọng, dễ cảm, dễ đọc “chuyện đời, chuyện sách, chuyện người”.
Có cảm giác đi đến đâu, tác giả cũng giữ được cho mình thói quen quan sát, ghi nhận và rất chuyên tâm chú ý đến khía cạnh văn hoá con người, ngôn ngữ lẫn ẩm thực... “Ngôn ngữ cũng chính là cuộc sống” - tác giả viết trong bài Bậu ơi xin chớ giả đò ngó lơ! về tập sách Tiếng Việt phương Nam của TS Trần Thị Ngọc Lang.
* Cảm hứng sống đẹp
Bạn đọc có thể cảm động nhất khi đọc bài Ơi Gành Hào mà tác giả viết về “quê cha đất mẹ Bạc Liêu”. Người gieo hồn vía quê hương cho nhà báo Dương Thành Truyền chính là người mẹ dù sống nơi thị thành vẫn mua muối hột, giấm nuôi, tôm khô, củ cải mặn... từ quê cũ mang lên. Bà cũng như nấu cho gia đình ăn những món quê như “mắm sống, mắm chưng, mắm kho và đặc biệt là món bún nước lèo thuộc vào hàng... đẳng cấp thế giới!”.
Không chỉ thế, người mẹ của tác giả còn để lại cho con nhiều điều hay từ nề nếp nhà cửa, tính tình “ăn ở rộng rãi” đến nhiều lời hay chính là những từ ngữ thôn quê chân chất nhất; láng lẩy, mình ên, cụ bị, làm bộ làm tịch, nói có mặt đèn làm chứng...
“Mẹ dạy mấy anh chị em chúng tôi kỹ lưỡng lắm, từ lời ăn tiếng nói, cách đi đứng ăn uống thưa chào, cho đến những điều phải quấy ở đời, dạy con trai, con gái cũng có khác...” - tác giả viết.
Trong bài Một người Sài Gòn rất Sài Gòn, tác giả nhận xét về nhà văn Lê Văn Nghĩa lúc sinh thời “là một người ít nói, nhưng để lại cho đời biết bao lời, biết bao chuyện”, và “trên tất cả anh là một người Sài Gòn rất Sài Gòn: gan lì, nghĩa khí, hào sảng, hết mình với mọi người, hết mình với công việc!”.
Bằng việc chia sẻ về những con người đáng kính, đáng trọng trong cuộc sống, nhà báo Dương Thành Truyền với tạp bút của mình có thể lan truyền niềm cảm hứng cho người đọc lựa chọn một cuộc sống đẹp theo cách của riêng mình.
“Bạn sẽ được chiêm ngưỡng, bật cười hay trầm ngâm theo lát cắt cuộc đời của những con người sinh ra và bắt đầu bằng để lại. Có những người bạn biết. Cũng có những người bình thường vĩ đại đã đi qua cuộc đời tác giả. Và tác giả, người kể chuyện với trái tim co kéo theo sắc màu cảm xúc, đã rộng lòng đón ta vào thế giới rất riêng tư nhưng cũng rất đời. Thế giới đó, có người, có sách và những nhân vật, có cả gốc đào, cành hoa, ly rượu, và những đêm không ngủ giữa thênh thang. Thế giới đó, có những câu chuyện từ ngàn xưa và có cả hôm nay. Nơi ta đang đi qua, bao người đã đi qua. Và câu chuyện họ để lại, có khi chính là nơi bắt đầu tốt nhất...” - diễn giả NGUYỄN PHI VÂN giới thiệu tạp bút Bắt đầu bằng để lại của tác giả Dương Thành Truyền. |
Trung Nghĩa/Báo Đồng Nai