Barcode | 9786043611229 |
---|---|
Năm | 2022 |
Trọng lượng | 500gr |
Loại Sản Phẩm | Bìa Mềm |
Kích Thước | 14 x 20 cm |
Số Trang | 126 |
Tác Giả | Sa Môn Thích Nhật Từ |
Nhà Xuất Bản | Hồng Đức |
423 Lời Vàng Của Phật - Kinh Pháp Cú (Dhammapada)
Kinh Pháp Cú với “423 lời vàng của Đức Phật” là quyển kinh Phật được dịch ra nhiều ngôn ngữ nhất trên thế giới. Kinh Pháp Cú được xem là quyển kinh Phật bỏ túi, kinh gối đầu giường của người học Phật, tu Phật và trải nghiệm chân lý Phật. Kinh Pháp Cú là tuyển tập gồm 423 bài thơ thiền của đức Phật Thích Ca, vốn có xuất xứ từ 4 bộ Kinh Nikaya. Do vì có xuất xứ từ 4 bộ Kinh quan trọng nhất trong hệ Kinh điển tiếng Pali, nên Kinh Pháp Cú được xem là Kinh giới thiệu bao quát về triết lý cao siêu của Đạo Phật bằng ngôn ngữ thi ca, giàu chất văn chương.
Có thể nói, toàn bộ các lời dạy cao quý về chân lý (dhamma) và đạo đức (vinaya) được đức Phật Thích Ca khám phá và truyền bá trong 45 năm đều được chọn lọc cô đọng trong 423 câu lời vàng này, được phân thành 26 chủ đề (phẩm/ chương) khác nhau. Mỗi chủ đề gồm nhiều bài thơ đề cập đến các khía cạnh chân lý và các giá trị cao quý, mà người đọc có thể học và ứng dụng vào cuộc sống, mang lại hạnh phúc và bình an cho bản thân, gia đình, xã hội, bây giờ và tại đây.
Về phương diện văn học, Kinh Pháp Cú là tập hợp hàng trăm bài thơ rất chuẩn về niêm luật tiếng Pali cổ, sử dụng loại ngôn ngữ quần chúng, giản dị, gần gũi với đời thường, với nhiều hình ảnh, ẩn dụ sâu sắc, chứa đựng nhiều giá trị nhân văn và đạo đức. Góp nhặt hình ảnh và sự kiện từ cuộc sống thật trong thời đại của ngài, đức Phật đã làm cho từng “bài thơ danh ngôn” của Ngài trở nên sinh động, sâu sắc, người đọc cảm nhận các giá trị nội tĩnh, mà mỗi lần đọc và chiêm nghiệm, người đọc sẽ cảm nhận được sự bình an đích thực.
Về nội dung, Kinh Pháp Cú đề cập đến thế giới quan, nhân sinh quan, xã hội quan, đạo đức quan và giải thoát quan. Về thế giới quan, đức Phật chủ trương không có nguyên nhân khởi thủy duy nhất, dù đó là duy thần, duy vật hay duy tâm. Thế giới là một tương quan đa chiều, tương tác và tương thuộc. Về nhân sinh quan, đức Phật cho rằng con người là trung tâm của vũ trụ, con người là gốc của các hoạt động nhân văn, đạo đức và xã hội. Về xã hội quan, đức Phật chủ trương công bằng xã hội, dân chủ, nhân quyền, bình đẳng giới, nhằm góp phần thiết lập một xã hội hòa bình, thịnh vượng và phát triển. Đạo đức quan Phật giáo gồm 3 phương diện: Không làm điều phạm pháp, làm tất cả việc thiện, giữ tâm trong sáng và cao thượng. Về giải thoát quan, đức Phật chủ trương giải phóng tất cả nỗi khổ niềm đau của kiếp người bằng cách thừa nhận bế tắc, truy tìm nguyên nhân (tham ái, sân hận, si mê, chấp thủ), trải nghiệm hạnh phúc Niết-bàn và thực hiện Bát Chánh Đạo.